Qui tắc chứng cứ rộng (Broad Evidence Rule) là gì? Ưu, nhược điểm
Mục Lục
Qui tắc chứng cứ rộng
Qui tắc chứng cứ rộng trong tiếng Anh là Broad Evidence Rule.
Qui tắc chứng cứ rộng đưa ra các hướng dẫn mà các công ty bảo hiểm phải thực hiện khi xác định giá trị tài sản bị mất, bị đánh cắp hoặc hư hỏng. Nó không chỉ định cụ thể bất kì một phương pháp nào để định giá bất kì phần tài sản nào, mà chỉ đưa ra phương pháp thể hiện chính xác nhất giá trị bằng tiền mặt thực sự của tài sản.
Qui tắc chứng cứ rộng có nghĩa là tất cả các sự kiện và hoàn cảnh liên quan đến giá trị của tài sản đều có thể được xem xét.
Đặc điểm của qui tắc chứng cứ rộng
Qui tắc chứng cứ rộng được sử dụng bởi các công ty bảo hiểm nhằm xác định số tiền phải trả cho người được bảo hiểm trong trường hợp yêu cầu bồi thường.
Trái với phương pháp xác định giá trị tiền mặt thực tế truyền thống – chi phí thay thế trừ đi khấu hao, thì qui tắc chứng cứ rộng cho phép tính đến nhiều yếu tố. Trong đó bao gồm giá trị thị trường, chi phí ban đầu, chi phí thay thế, thời gian sử dụng và tình trạng của tài sản, vị trí, tần suất sử dụng, độ bền của tai sản, giá trị được đánh giá, số lượng người dùng trong hộ gia đình hoặc doanh nghiệp, đề nghị bán, đề nghị mua, và mức độ hiếm.
Do đó, việc xác định giá trị bằng tiền mặt thực tế của tài sản phải được đánh giá riêng đối với mỗi yêu cầu bồi thường.
Tại Mỹ, các bang sử dụng ba phương pháp khác nhau để tính giá trị tiền mặt thực tế trong trường hợp chính sách tài sản không định nghĩa được đầy đủ thuật ngữ: giá trị thị trường, chi phí thay thế trừ đi khấu hao, và Qui tắc chứng cứ rộng. Vào năm 2016, Qui tắc chứng cứ rộng được chấp nhận bởi 23 bang, bao gồm New York và New Jersey. Phương pháp này đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, mặc dù có một số bang như California xác định giá trị tiền mặt thực tế bằng giá trị thị trường.
Ưu, nhược điểm của qui tắc chứng cứ rộng
Điểm mạnh của qui tắc chứng cứ rộng là tính toàn diện và linh hoạt. Phương pháp này được khen ngợi vì có thể bồi thường cho bên được bảo hiểm thông qua việc phân phối tiền bảo hiểm công bằng hơn so với kết quả của những phương pháp khác.
Lí do là vì bên được bảo hiểm có thể đưa ra bằng chứng cho thấy sự không hợp lí của phương pháp sử dụng giá trị thị trường hoặc chi phí thay thế trừ khấu hao trong một số trường hợp nhất định.
Một số chỉ trích rằng qui tắc chứng cứ rộng thiếu sự chắc chắn và khả năng dự đoán bởi vì Qui tắc này không phải là một công thức cụ thể. Khi mua bảo hiểm, không có phương pháp tính nào được áp dụng đối với giá trị của tài sản.
Do đó, qui tắc này gây khó khăn cho các công ty bảo hiểm và hệ thống toà án, bởi vì nó đòi hỏi sự phức tạp về mặt hành chính và thời gian hơn các phương pháp khác.
Ngoài ra còn có các chỉ trích khác đối với qui tắc chứng cứ rộng, như việc các công ty bảo hiểm có thể lợi dụng các vấn đê tài sản thế chấp để trốn tránh trách nhiệm. Cũng có chỉ trích rằng việc không giới hạn số lượng yếu tố cần xem xét có thể dẫn đến đầu cơ và khó xác định được tổn thất thực tế.
(Theo Investopedia)