Quĩ môi trường toàn cầu (Global Environmental Facility - GEF) là gì?
Mục Lục
Quĩ môi trường toàn cầu
Quĩ môi trường toàn cầu trong tiếng Anh gọi là: Global Environmental Facility - GEF.
Quĩ môi trường là một thể chế hoặc một cơ chế được thiết kế để nhận tài trợ vốn từ các nguồn khác nhau, và từ đó phân phối các nguồn này để hỗ trợ quá trình thực hiện các dự án hoặc các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Quĩ môi trường toàn cầu là quĩ môi trường được hình thành từ sự đóng góp của các quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước phát triển, với mục đích hỗ trợ kinh phí cho các dự án có ích lợi kinh tế cho môi trường toàn cầu của các quốc gia. Kinh phí hoạt động hằng năm của quĩ rất lớn, khoảng 2 - 3 tỉ USD.
Chương trình hành động
Quĩ có 10 chương trình hành động cụ thể trong các lĩnh vực:
- OP1: Hệ sinh thái khô hạn và bán khô hạn
- OP2: Hệ sinh thái biển, ven biển và hệ sinh thái nước ngọt
- OP3: Hệ sinh thái rừng
- OP4: Hệ sinh thái núi cao
- OP5: Loại bỏ các trở ngại để bảo tồn năng lượng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng
- OP6: Tăng cường sử dụng các loại năng lượng có khả năng tái tạo
- OP7: Giảm chi phí dài hạn của các công nghệ sử dụng năng lượng ít gây phát thải khí nhà kính
- OP8: Chương trình bảo toàn lưu vực nước
- OP9: Các khu vực trọng điểm hòa nhập đất và nước
- OP10: Chống ô nhiễm nguồn nước.
Các dự án chống suy giảm tầng ozon như: giảm được nhiều nhất các chất làm ô nhiễm tầng ozon với chi phí thấp nhất, hoàn tất việc loại bỏ dần các chất làm suy yếu tầng ozon, tránh vi phạm các biện pháp kiểm soát đã thông qua trong Nghị định thư Montreal.
Các hoạt động trợ giúp tạo điều kiện cho nỗ lực của các Chính phủ để chuẩn bị chiến lược, kế hoạch hành động và báo cáo về các nghĩa vụ đã đề ra trong các công ước quốc tế về môi trường.
Các biện pháp ứng phó kịp thời nằm trong các chương trình trên với chi phí thấp.
Dự án GEF do một hội đồng quĩ quản lí và ba cơ quan thực hiện là UNDP (United Nations Development Programme), UNIDO (United Nations Industrial Development Organization), WB (World Bank).
(Tài liệu tham khảo: Cẩm nang Quản lí Môi trường, Lưu Đức Hải, Phạm Thị Việt Anh, Nguyễn Thị Hoàng Liên, Vũ Quyết Thắng, Nhà xuất bản Giáo dục)