Qui luật tư duy logic (The Law of Logical Thinking) là gì? Đặc điểm và các qui luật cơ bản
Mục Lục
Qui luật tư duy logic
Qui luật tư duy logic trong tiếng Anh là The Law of Logical Thinking.
Qui luật là mối liên hệ bản chất, tất yếu và phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng hoặc giữa các mặt trong một sự vật hiện tượng của thế giới khách quan.
Tư duy logic cũng là một quá trình, trong đó các tư tưởng được liên kết với nhau theo những qui luật nhất định. Sự tuân thủ của tư duy theo những qui luật vốn có của nó là điều kiện cần để đảm bảo tính chân lí khách quan của sự nhận thức.
Vậy, qui luật tư duy logic là những mối liên hệ bản chất, tất yếu và phổ biến giữa các hình thức tạo nên kết cấu logic bên trong của quá trình tư duy, kết cấu này đã được hình thành trong lịch sử trên cơ sở những mối liên hệ khách quan giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới bên ngoài.
Đặc điểm của qui luật tư duy logic
- Cũng như mọi qui luật của tự nhiên và xã hội, qui luật tư duy mang tính khách quan. Con người không thể tự ý tạo ra thay đổi nó mà chỉ phát hiện ra chúng. Đồng thời, qui luật của tư duy cũng hình thành một cách thích ứng với những qui luật của thế giới khách quan, do qui luật của thế giới khách quan qui định.
- Thừa nhận tính khách quan của các qui luật tư duy cho phép chúng ta nghiên cứu nó như hiện tượng tồn tại tương đối độc lập, thấy rõ được vai trò của tư duy đúng đắn trong việc nhận thức các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan.
Trong cuộc sống hàng ngày, các qui luật của tư duy được lặp đi lặp lại nhiều lần, qua kinh nghiệm cuộc sống con người chấp nhận tính hiển nhiên của nó, không cần phải chứng minh khi đề cập nó. Do vậy, các quy luật tư duy được quan niệm như những tiên đề khi vận dụng nó trong quá trình tư duy.
- Qui luật của tư duy được thể hiện trong mọi quá trình tư duy, trong mọi lĩnh vực của sự nhận thức khoa học và bắt buộc phải tuân thủ trong bất kì trình độ nào của tư duy.
Nếu không tuân thủ các qui luật, kết cấu nội tại của tư duy thì tư duy sẽ bị phá vỡ, tính chân thực logic của tư duy bị vi phạm, khi đó tư duy sẽ không làm được chức năng phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan. Như vậy, các qui luật tư duy tồn tại một cách phổ biến trong mọi quá trình tư duy.
- Mặc dù tồn tại một cách phổ biến nhưng các qui luật tư duy cũng chỉ mang tính chất tương đối và có giới hạn trong phạm vi nhất định. Bởi vì, các qui luật tư duy chỉ phản ánh trạng thái ổn định tương đối của các sự vật, hiện tượng nên nó chỉ đúng trong giới hạn không gian và thời gian, trong hệ qui chiếu nhất định.
Do đó, việc tuân thủ các qui luật của tư duy là rất cần thiết, rất quan trọng nhưng chưa đủ để đảm bảo tính chân lí khách quan của sự nhận thức, cần phải được bổ sung bằng các phương pháp khác nhau.
Các qui luật cơ bản của tư duy logic
- Qui luật đồng nhất: Nội dung qui luật là mỗi tư tưởng đúng đắn hay khái niệm về một đối tượng nào đó phải rõ ràng và giữ nguyên nghĩa của nó trong suốt quá trình tư duy.
Qui luật đồng nhất đòi hỏi trong suốt quá trình tư duy luôn luôn giữ nguyên nội hàm của khái niệm, phải xác định đúng và giữ nguyên đối tượng, không được lẫn lộn, tự ý thay đổi, đánh tráo đối tượng.
- Qui luật phi mẫu thuẫn (còn gọi là qui luật mâu thuẫn): Khi xem xét cùng một đối tượng trong cùng thời gian, cùng mối quan hệ thì hai ý kiến đối lập nhau không thể cùng đúng mà phải xảy ra một trong hai ý kiến đó sai.
- Qui luật bài trung: Nếu có hai ý kiến mâu thuẫn nhau về cùng một sự vật hiện tượng xét trong cùng thời điểm thì cả hai ý kiến đó không thể cùng sai, nghĩa là một trong hai ý kiến đó đúng và ý kiến kia sai, không thể có ý kiến trung gian.
Tuy nhiên, qui luật bài trung chỉ có ý nghĩa tương đối bởi vì ta chỉ xét tư duy của chúng ta phản ánh đối tượng trong một giới hạn nhất định. Đó là trạng thái ổn định tương đối của sự vật mà không tính đến sự biến đổi và phát triển của nó như trong logic biện chứng.
- Qui luật lí do đầy đủ: qui luật này nói lên rằng: mọi tư tưởng đáng tin cậy đều phải có tư tưởng khác đã được chứng minh hoặc là đúng hoặc quá rõ ràng làm căn cứ.
Qui luật lí do đầy đủ yêu cầu: Không một tư tưởng nào được thừa nhận là chân lí mà không có căn cứ, những lí do dùng để chứng minh cho luận điểm nào đó là chân thực, phải là cái đã được xác nhận là chân thực và phải có quan hệ tất yếu với luận điểm cần phải chứng minh.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Logic học đại cương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)