Qui hoạch xây dựng vùng (Regional construction planning)? Đồ án qui hoạch xây dựng vùng
Mục Lục
Qui hoạch xây dựng vùng (Regional construction planning)
Qui hoạch xây dựng vùng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Regional construction planning
"Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia bao gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận gắn với một số lưu vực sông hoặc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng và có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau."
"Qui hoạch vùng là qui hoạch cụ thể hóa qui hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh." (Theo Luật qui hoạch năm 2017)
Theo Luật xây dựng năm 2014, "Qui hoạch xây dựng vùng là việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù và hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh hoặc một huyện, liên tỉnh, liên huyện phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kì."
Qui hoạch xây dựng vùng được lập cho các vùng sau
- Vùng liên tỉnh;
- Vùng tỉnh;
- Vùng liên huyện;
- Vùng huyện;
- Vùng chức năng đặc thù;
- Vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh.
Trong đồ án qui hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, phần qui hoạch hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật được cụ thể hóa thông qua các đồ án chuyên ngành hạ tầng kĩ thuật.
Nhiệm vụ và nội dung đồ án qui hoạch xây dựng vùng
Nhiệm vụ qui hoạch xây dựng vùng
- Xác định luận cứ, cơ sở hình thành phạm vi ranh giới vùng;
- Xác định mục tiêu phát triển vùng;
- Dự báo qui mô dân số vùng, nhu cầu về hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn phát triển;
- Xác định yêu cầu về tổ chức không gian đối với hệ thống đô thị, khu vực nông thôn, vùng và khu chức năng chủ yếu, hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội trên phạm vi vùng theo từng giai đoạn.
Nội dung đồ án qui hoạch xây dựng vùng
- Vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện phải xác định và phân tích tiềm năng, động lực phát triển vùng; dự báo về tốc độ đô thị hóa; khu vực chức năng chuyên ngành, cơ sở sản xuất, hệ thống công trình đầu mối hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội có ý nghĩa vùng; giải pháp phân vùng chức năng, phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn;
- Vùng chức năng đặc thù được hình thành trên cơ sở tiềm năng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; xác định và phân tích tiềm năng phát triển, khả năng khai thác, phân vùng chức năng, bố trí dân cư và tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật phù hợp tính chất và mục tiêu phát triển vùng;
- Vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh phải phân tích động lực và tác động của tuyến, hành lang đối với sự phát triển của các khu vực dọc tuyến, các giải pháp khai thác đất đai, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật phù hợp với tính chất của tuyến, bảo đảm an toàn giao thông trên toàn tuyến;
- Chuyên ngành hạ tầng kĩ thuật phải dự báo phát triển và nhu cầu sử dụng đất; xác định vị trí, qui mô các công trình đầu mối, công trình phụ trợ, mạng truyền tải chính, mạng phân phối và phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn công trình;
- Căn cứ qui mô, tính chất của vùng, đồ án qui hoạch xây dựng vùng được nghiên cứu trên cơ sở bản đồ địa hình tỉ lệ 1/25.000 - 1/250.000;
- Thời hạn qui hoạch đối với qui hoạch xây dựng vùng từ 20 năm đến 25 năm, tầm nhìn 50 năm;
- Qui hoạch xây dựng vùng được phê duyệt là cơ sở để triển khai lập qui hoạch đô thị, qui hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, qui hoạch xây dựng nông thôn và qui hoạch hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật cấp vùng. (Theo Luật xây dựng năm 2014)