Qui hoạch xây dựng (Construction planning) là gì? Phân loại và yêu cầu
Mục Lục
Qui hoạch xây dựng (Construction planning)
Qui hoạch xây dựng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Construction planning
Theo Luật qui hoạch năm 2017, "Qui hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kì xác định."
"Qui hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qui hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án qui hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh." (Theo Luật xây dựng năm 2014)
Phân loại qui hoạch xây dựng và một số yêu cầu
Qui hoạch xây dựng và căn cứ lập qui hoạch xây dựng
Qui hoạch xây dựng gồm các loại sau:
- Qui hoạch vùng;
- Qui hoạch đô thị;
- Qui hoạch khu chức năng đặc thù;
- Qui hoạch nông thôn.
Qui hoạch xây dựng được lập căn cứ vào các nội dung sau:
- Chiến lược, qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, qui hoạch ngành, định hướng qui hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, qui hoạch xây dựng có liên quan đã được phê duyệt;
- Qui chuẩn kĩ thuật về qui hoạch xây dựng và qui chuẩn khác có liên quan;
- Bản đồ, tài liệu, số liệu về hiện trạng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương.
Qui hoạch đô thị được thực hiện theo qui định của pháp luật về qui hoạch đô thị.
Yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với qui hoạch xây dựng
Về yêu cầu:
- Phù hợp với mục tiêu của chiến lược, qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững; thống nhất với qui hoạch phát triển ngành; công khai, minh bạch, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân;
- Tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa và nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc điểm lịch sử, văn hóa, trình độ khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn phát triển;
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng hệ thống công trình hạ tầng kĩ thuật; bảo đảm sự kết nối, thống nhất công trình hạ tầng kĩ thuật khu vực, vùng, quốc gia và quốc tế;
- Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi đến cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật;
- Xác lập cơ sở cho công tác kế hoạch, quản lí đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng, quản lí, khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong vùng, khu chức năng đặc thù, khu vực nông thôn.
Về nguyên tắc tuân thủ:
- Việc thực hiện chương trình, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lí không gian, kiến trúc, cảnh quan phải tuân thủ qui hoạch xây dựng đã được phê duyệt và phù hợp với nguồn lực huy động;
- Cấp độ qui hoạch xây dựng phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với qui hoạch có cấp độ cao hơn. (Theo Luật xây dựng năm 2014)