Hạn mức tín dụng (Credit Limit) là gì? Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ này như thế nào?
Mục Lục
Hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng - danh từ, tiếng Anh được sử dụng với cụm từ: Credit Limit.
Hạn mức tín dụng (Credit Limit) của các ngân hàng thương mại là giới hạn mức cho vay tối đa trong hoạt động của tổ chức tín dụng; số dư nợ vay hay là số dư nợ tối đa vào một thời điểm nhất định, thường là ngày cuối quý, cuối năm được quy định trong kế hoạch tín dụng của ngân hàng.
Ngoài ra cần phân biệt thuật ngữ này trong tín dụng ngân hàng, hạn mức tín dụng trong tín dụng ngân hàng đề cập đến số tiền tối đa mà ngân hàng cho khách hàng vay.
Cơ sở xác định hạn mức tín dụng
Chính sách hạn mức tín dụng được xác định trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu lạm phát dự kiến hàng năm, ngoài ra còn dựa vào một số tín hiệu thị trường khác: tỉ lệ thất nghiệp, tỉ giá, thâm hụt ngân sách nhà nước, tốc độ lưu chuyển tiền tệ,… Trên cơ sở đó, hạn mức tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng thương mại cho từng thời kì phù hợp với mục đích của chính sách tiền tệ.
Trong phần lớn các trường hợp, những hạn mức riêng này được xác định căn cứ vào tỉ trọng cho vay của nó trong quá khứ so với tổng mức cho vay của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng thương mại chỉ được cấp tín dụng cho nền kinh tế tối đa bằng hạn mức tín dụng được qui định.
Vai trò của hạn mức tín dụng
Để hạn chế việc taọ tiền quá mức của ngân hàng thương mại làm tăng tổng khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, ngân hàng trung ương qui định hạn mức tín dụng tối đa cho từng ngân hàng thương mại. Hạn mức tín dụng được ngân hàng trung ương sử dụng như một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ, khi mà các công cụ truyền thống kém hiệu quả.
Tuy nhiên, khống chế hạn mức tín dụng có thể làm cho lãi suất thị trường tăng lên, làm giảm cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại, làm phát sinh các thị trường tài chính "ngầm" ngoài sự kiểm soát của ngân hàng trung ương, gây khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp nhỏ,…
(Theo Giáo trình Lý thuyết tài chính tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)