Quảng cáo vận động (Advocacy Advertising) là gì? Ví dụ về quảng cáo vận động
Mục Lục
Quảng cáo vận động
Quảng cáo vận động trong tiếng Anh là Advocacy Advertising.
Quảng cáo vận động là một hình thức marketing được sử dụng chủ yếu bởi các tổ chức phi lợi nhuận và các nhóm tư nhân, nhằm gây tác động đến dư luận để hỗ trợ cho một động cơ hoặc thông điệp cụ thể.
Khác với quảng cáo thương mại, quảng cáo vận động thường không quảng bá cho sản phẩm hoặc dịch vụ.
Quảng cáo vận động có thể được tài trợ thông qua tổ chức phi lợi nhuận, tập đoàn hoặc các nhóm vận động tư. Một số chính phủ yêu cầu các tổ chức tham gia quảng cáo vận động phải nêu rõ nguồn tài trợ.
Hiểu hơn về quảng cáo vận động
Quảng cáo vận động thường sẽ tập trung vào các lĩnh vực liên quan lẫn nhau, như các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị.
Ví dụ, một tổ chức muốn áp dụng chương trình điều trị ma túy cho cộng đồng địa phương có thể khởi động một chiến dịch tìm kiếm nguồn tài trợ để hỗ trợ thành lập một trung tâm cai nghiện.
Chiến dịch này có thể mở rộng sang lĩnh vực chính trị nếu một ứng cử viên địa phương lên tiếng lo ngại về chương trình này; và tổ chức điều trị ma túy chọn cách ủng hộ một ứng cử viên đối lập.
Chiến dịch của doanh nghiệp
Các công ty có thể tham gia quảng cáo vận động nếu có một vấn đề hoặc chính sách sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiêp; và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của công chúng để giải quyết vấn đề.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp thực hiện chiến dịch để tác động đến quá trình phê duyệt cho các dự án cụ thể, chẳng hạn như xây dựng một tòa nhà mới mà có thể gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận; hoặc phát triển một đường ống dẫn dầu có thể tác động đến môi trường và xã hội.
Ví dụ về quảng cáo vận động
Quảng cáo vận động có thể được thực hiện để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến ngành hoặc thị trường. Ví dụ, ở một số thành phố, sự ra đời các công ty hoạt động theo kiểu kinh tế chia sẻ như Uber hoặc Airbnb đã gây ra xung đột với các nhà quản lí địa phương và các công ty đang hoạt động cảm thấy việc kinh doanh bị đe dọa.
Những người phản đối các công ty này đã tìm cách ngăn chúng kinh doanh bằng cách trích dẫn luật pháp; yêu cầu chúng phải tuân thủ theo cùng mức độ giám sát và qui định như những công ty đang hoạt động.
Đáp lại, các công ty mới nổi thường khởi xướng các chiến dịch quảng cáo vận động để thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề cản trở họ hoạt động trên thị trường; và khuyến khích các cơ quan quản lí cấp cho họ sự chấp thuận hợp pháp để kinh doanh.
Mặc dù những nỗ lực này không nhằm tăng doanh số trực tiếp, mục đích của chúng là nhằm mang lại những thay đổi cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoặc giới thiệu mô hình kinh doanh của họ ở một thị trường mới.
Điều này có thể tác động đến khả năng doanh nghiệp tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn; và do đó ảnh hưởng đến tăng doanh thu và lợi nhuận.
(Tham khảo: Advocacy Advertising, investopedia.com)