Quản trị viên tại nước của công ty mẹ (Parent country national - PCN) là ai?
Mục Lục
Quản trị viên tại nước của công ty mẹ
Quản trị viên tại nước của công ty mẹ trong tiếng Anh gọi là: Parent country national - PCN.
Trong một công ty quốc tế, quản trị viên tại nước của công ty mẹ - PCN là một người có cùng quốc tịch với doanh nghiệp, nhưng khác với quốc gia nơi họ đang làm việc: ví dụ, một nhà quản lí Nhật Bản làm việc cho một công ty con của một công ty Nhật Bản có trụ sở tại Anh. (Theo Oxford Reference)
Thuận lợi và bất lợi
PCN là những công dân của doanh nghiệp tại nước của họ. Việc sử dụng PCN trong hoạt động nước ngoài của tập đoàn đa quốc gia MNC tạo ra rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, vì PCN thường có chung nguồn gốc văn hóa và giáo dục với các nhân viên tại tổng hành dinh, nên việc thông tin liên lạc và sự kết nối với tổng hành dinh được thuận tiện hơn.
Nếu chiến lược toàn cầu của doanh nghiệp khai thác những công nghệ và kĩ thuật kinh doanh mới đã được phát triển tại thị trường trong nước, khi đó PCN có thể dễ dàng nắm bắt các công nghệ tiên tiến này trong bối cảnh của nước sở tại.
Ví dụ, Mercedes đã gửi đội ngũ từ Đức đến giám sát các hoạt động tại Mỹ của những công ty mới thành lập, họ muốn đảm bảo rằng các kĩ thuật sản xuất và cam kết về chất lượng phải được tiến hành tại Alabama.
Tuy nhiên, dùng PCN cũng có những điểm bất lợi. PCN thường thiếu kiến thức về văn hóa, luật pháp, các điều kiện kinh tế, cấu trúc xã hội và các điều kiện chính trị tại nước sở tại.
Mặc dù PCN có thể được đào tạo, nhưng việc đào tạo thường rất tốn kém và không thể thay thế hoàn hảo cho những quản trị viên được sinh và lớn lên tại nước sở tại.
Cuối cùng, nước sở tại cũng có thể hạn chế số lượng nhân viên nước ngoài thuyên chuyển vào, và bắt buộc phải tuân theo một phần trăm nhất định về tiền lương trả cho nhân viên hàng tháng tại nước sở tại, vì thế doanh nghiệp quốc tế không hoàn toàn tự do trong việc chọn thuê quản trị viên mà họ muốn trong công việc ở nước ngoài.
Do những nhân tố này, PCN thường được dùng ở vị trí kĩ thuật hoặc những vị trí cấp trên tại nước sở tại.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Cao học Quản trị kinh doanh quốc tế, PGS.TS. Hà Nam Khánh Giao, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2017)