Nước ngầm (Groundwater) là gì? Thăm dò, khai thác nước ngầm
Mục Lục
Nước ngầm (Groundwater)
Nước ngầm - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Groundwater.
Nước ngầm hay còn gọi là nước dưới đất, là nước được tìm thấy trong các vết nứt và không gian trong lòng đất đất, cát và đá. Nước ngầm được lưu trữ và di chuyển chậm qua các tầng địa chất của đất, cát và đá. (Theo National Ground Water Association)
Thăm dò, khai thác nước ngầm
1. Tổ chức, cá nhân thăm dò nước ngầm phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp qui định của pháp luật.
3. Việc cấp giấy phép khai thác nước ngầm phải căn cứ vào qui hoạch tài nguyên nước, kết quả điều tra cơ bản, thăm dò nước ngầm, tiềm năng, trữ lượng nước ngầm và các qui định của pháp luật.
4. Hạn chế khai thác nước ngầm tại các khu vực sau đây:
a) Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước;
b) Khu vực có mực nước ngầm bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;
c) Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước ngầm;
d) Khu vực có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lí bảo đảm chất lượng;
đ) Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.
5. Các hình thức hạn chế khai thác nước ngầm bao gồm:
a) Hạn chế về đối tượng, mục đích khai thác;
b) Hạn chế về lưu lượng, thời gian khai thác;
c) Hạn chế về số lượng công trình, độ sâu, tầng chứa nước khai thác.
Bảo vệ nguồn nước ngầm
1. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước ngầm; hành nghề khoan nước ngầm; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lí nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước ngầm, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngầm.
3. Ở những vùng nước ngầm bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lí nhà nước về tài nguyên nước phải khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác và có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước ngầm.