Quản trị nghiên cứu - phát triển (Research and Development Management) là gì?
Mục Lục
Quản trị nghiên cứu - phát triển
Quản trị nghiên cứu - phát triển trong tiếng Anh gọi là: Research and Development Management.
Quản trị nghiên cứu- phát triển là những hoạt động hoạch định, tổ chức, điều hành, giám sát các hoạt động nghiên cứu- phát triển và đánh giá các kết quả mà chúng đạt được để đưa vào ứng dụng vào thực tế.
Do ứng dụng tiến bộ kĩ thuật- công nghệ là hoạt động thường xuyên của mọi tổ chức, trong đó có các doanh nghiệp, nên quản trị nghiên cứu- phát triển trở thành một chức năng quản trị của tất cả các tổ chức.
Theo đó, các hoạt động quản trị nghiên cứu- phát triển được gắn kết với nhau thành những quá trình mục tiêu, được thực hiện theo những phương pháp và công cụ được cải tiến và hoàn thiện một cách liên tục.
Trong doanh nghiệp, những hoạt động này có thể được thực hiện một cách tập trung, thống nhất bởi:
Một bộ phận chuyên trách (Phòng thí nghiệm, Phòng Nghiên cứu- Phát triển, Trung tâm nghiên cứu, …) hoặc được phân chia cho các bộ phận khác nhau của doanh nghiệp trực tiếp thực hiện (hoạt động nghiên cứu- phát triển của các phòng, các xưởng, các chi nhánh hay các bộ phận của doanh nghiệp).
Phân tích quá trình phát triển và hoàn thiện của công tác quản trị nghiên cứu- phát triển, D. Nobelius cho rằng quá trình này đã trải qua 5 giai đoạn và hiện nay đang chuyển sang giai đoạn thứ 6. Ông gọi đó là những “thế hệ” khác nhau của quản trị nghiên cứu- phát triển.
Mục tiêu
Công tác nghiên cứu- phát triển trong mỗi doanh nghiệp thường theo đuổi các mục tiêu cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, các mục tiêu chung mà các doanh nghiệp thường đặt ra cho công tác quản trị nghiên cứu- phát triển là:
- Đảm bảo cho các hoạt động nghiên cứu- phát triển của doanh nghiệp bám sát các định hướng phát triển, phục vụ tốt các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp;
- Đảm bảo cho công tác nghiên cứu- phát triển được thực hiện một cách có hiệu quả;
- Phát triển được năng lực nghiên cứu- phát triển của doanh nghiệp với chi phí tối thiểu và khai thác năng lực này một cách có hiệu quả;
- Đảm bảo cho công tác nghiên cứu- phát triển diễn ra một cách nhất quán, được tổ chức một cách khoa học, có đủ các nguồn lực cần thiết một cách kịp thời;
- Đảm bảo cho các kết quả nghiên cứu được kịp thời chuyển giao và ứng dụng với hiệu quả cao nhất.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí kĩ thuật và công nghệ, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)