Quản lí tổng thể dự án (Total Project Management - TPM) là gì? Nội dung
Mục Lục
Quản lí tổng thể dự án
Quản lí tổng thể dự án trong tiếng Anh được gọi là Total Project Management - TPM.
Quản lí tổng thể dự án là tất cả các quá trình và hoạt động cần thiết để phát hiện, xác định, kết hợp, hợp nhất và phối hợp các quá trình và các hoạt động quản lí dự án.
Dự án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phải trải qua các giai đoạn khác nhau. Để quản lí tốt quá trình thực hiện dự án đảm bảo cho dự án thành công đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải quản lí thống nhất mọi quá trình diễn ra trong xuốt chu kì sống dự án.
Trong phạm vi quản lí dự án, tính tổng thể bao gồm sự thống nhất, sự hợp nhất, sự phát biểu cụ thể và rõ ràng bằng văn bản, các hoạt động tiến hành mang tính chất toàn cục có ý nghĩa vô cùng quan trong đổi với việc thực hiện dự án và quản lí các yêu cầu dự án.
Nội dung công việc
Quản lí tổng thể dự án bao gồm việc đưa ra quyết định lựa chọn về phân bổ nguồn lực, chấp nhận sự đánh đổi giữa các mục tiêu cạnh tranh và phương án khác nhau, và quản lí các mối quan hệ phụ thuộc tương tác lẫn nhau giữa các lĩnh vực chuyên môn trong quản lí dự án.
Quản lí tổng thể dự án bao gồm các nội dung công việc sau:
- Phát triển văn kiện dự án
- Phát triển kế hoạch quản lí dự án
- Lãnh đạo và quản lí các hoạt động dự án
- Theo dõi giám sát các hoạt động dự án
- Quản lí sự thay đổi dự án, (vi) và kết thúc dự án.
Ý nghĩa
Sự cần thiết phải quản lí tổng thể dự án khi các quá trình riêng biệt có sự tương tác với nhau.
Ví dụ khi chúng ta cần ước tính chi phí cần cho kế hoạch dự phòng sẽ liên quan đến các lĩnh vực quản lí chi phí, quản lí tiến độ và quản lí rủi ro. Khi rủi ro gia tăng đi kèm với các phương án huy động nhân lực khác nhau đòi hỏi các quá trình đó cần phải điều chỉnh theo một cách phù hợp.
Khi kế hoạch huy động nguồn lực thay đổi, ví dụ nhân sự chủ chốt của dự án, làm cho kế hoạch công việc dự án thay đổi sẽ kéo theo phải điều chỉnh các kế hoạch liên quan khác như kế hoạch chi phí, kế hoạch tiến độ, kế hoạch mua sắm do một số hoạt động dự án dự kiến được tiến hành đồng thời nay phải thực hiện một cách tuần tự do hạn chế về nguồn nhân lực.
Kết quả đầu ra của dự án cũng phải được kết hợp một cách thống nhất với các hoạt động hiện tại của công ty mẹ hoặc của khách hàng hoặc với kế hoạch chiến lược dài hạn của công ty khi chúng ta xem xét đến cơ hội hoặc thách thức trong tương lai.
Quản lí tổng thể dự án còn bao gồm cả việc quản lí các tài liệu dự án phải phù hợp với kế hoạch quản lí dự án và kết quả đầu ra của dự án.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị dự án, TS. Nguyễn Quốc Duy, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2012)