Phương pháp tài sản (Asset-Based Approach) trong định giá doanh nghiệp là gì?
Mục Lục
Phương pháp tài sản (Asset-Based Approach)
Phương pháp tài sản trong tiếng Anh là Asset-Based Approach. Phương pháp tài sản là một trong những phương pháp định giá doanh nghiệp tập trung vào giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp đó. Giá trị tài sản ròng được xác định bằng cách lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả.
Cơ sở hình thành phương pháp tài sản
- Phương pháp tài sản dựa trên cơ sở cho rằng hoạt động của doanh nghiệp luôn được tiến hành trên cơ sở một lượng tài sản có thực. Vì thế giá trị doanh nghiệp được xác định trên cơ sở tổng giá trị các tài sản hiện có mà doanh nghiệp hiện đang quản lí và sử dụng.
- Tổng giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp được xác định dựa vào số liệu sổ sách kế toán trên bảng cân đối kế toán, hoặc dựa vào giá trị tài sản hiện có được đánh giá lại theo giá trị thị trường tại thời điểm định giá.
Công thức xác định
Do nguồn vốn hình thành tài sản được đến từ hai nguồn là nợ phải trả và vốn chủ sở hữu, để thực hiện các giao dịch mua bán doanh nghiệp thì người ta phải xác định phần giá trị thuộc về chủ sở hữu.
Theo đó, công thức xác định giá trị doanh nghiệp thuộc chủ sở hữu như sau:
VE = VA - VD
Trong đó:
VE: Giá trị tài sản thuần thuộc chủ sở hữu
VA: Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp
VD: Tổng giá trị các khoản nợ
Lưu ý:
Khi xác định giá trị doanh nghiệp các loại tài sản này phải được đánh giá lại theo giá cả thị trường. Giá trị tài sản thuần về thực chất phản ánh giá bán từng phần các tài sản hiện có thuộc sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm định giá.
Để xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản phải căn cứ vào các báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp, đặc biệt là bảng cân đối kế toán; các chứng từ, sổ sách kế toán liên quan...
Ưu điểm
- Phương pháp tài sản có ưu điểm là tính toán đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu với các doanh nghiệp; phản ánh trực quan giá trị tài sản của doanh nghiệp theo giá hiện hành tại thời điểm đánh giá.
Nhược điểm
- Do dựa trên các số liệu của báo cáo tài chính, những số liệu này ít nhiều ảnh hưởng của phương pháp kế toán hiện hành và mang tính lịch sử.
- Các tài sản cũ thường không có giá thị trường để đối chiếu, do đó thường phải đánh giá như giá trị thanh lí tài sản này; tương tự cũng rất khó để đánh giá giá trị thanh lí các tài sản là máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu.
- Phương pháp tài sản bỏ qua phần lớn giá trị các tài sản vô hình.
- Xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản dựa trên nhận định cho rằng giá trị doanh nghiệp luôn ngang bằng với một số vốn tiền tệ nhất định mà người mua phải bỏ ra để có quyền sở hữu những tài sản đó
- Phương pháp tài sản không phản ánh khả năng sinh lời từ việc sử dụng tài sản trong tương lai, vì thế không tạo được sự hấp dẫn với người mua.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính; Asset-Based Approach, Investopedia)