Phương pháp giáo dục, động viên trong doanh nghiệp là gì?
Mục Lục
Phương pháp giáo dục, động viên
Phương pháp giáo dục, động viên trong tiếng Anh tạm dịch là: Educational, motivational methods.
Phương pháp giáo dục, động viên là phương pháp tác động vào nhận thức của người lao động, làm cho họ hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực thi một quyết định nào đó. Trên cơ sở nhận thức được nâng lên, họ thực thi nhiệm vụ một cách tự giác.
Đặc điểm của phương pháp giáo dục, động viên
Có hai hình thức động viên đối với con người là động viên vật chất và động viên tinh thần. Phương pháp kinh tế sử dụng các công cụ khuyến khích vật chất, còn phương pháp giáo dục động viên sử dụng các công cụ khuyến khích tinh thần.
Động viên tinh thần là các hình thức thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen nhằm công nhận và tôn vinh các cá nhân, tổ, đội, phân xưởng, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong một thời gian nhất định.
Tuy việc điều hành doanh nghiệp chủ yếu áp dụng phương pháp kinh tế, song cũng không nên xem nhẹ phương pháp giáo dục, động viên tinh thần.
Phương pháp này làm cho người lao động trong doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của người lao động trong doanh nghiệp, tăng cường được tinh thần trách nhiệm của họ đối với tài sản, của cải của doanh nghiệp.
Phương pháp giáo dục, động viên là một trong những phương pháp chủ yếu sử dụng trong điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp.
Điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp chính là hệ thống những tác động của chủ thể quản trị đối với đối tượng bị quản trị trong thời gian ngắn hạn để dẫn dắt hoạt động của cả doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chung trong trung hạn và dài hạn.
Như vậy, thực chất của điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp là việc tổ chức, chỉ đạo triển khai hệ thống sản xuất đã được thiết kế nhằm biến các mục tiêu dự kiến, các kế hoạch sản xuất sản phẩm, dịch vụ thành hiện thực.
Cũng như mọi hoạt động chỉ đạo sản xuất kinh doanh, khi điều hành tác nghiệp doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp nên sử dụng các phương pháp để điều khiển, chỉ huy, chỉ đạo thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở lịch trình sản xuất, kế hoạch tác nghiệp đã xây dựng.
Có nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp kinh tế; phương pháp tổ chức, hành chính; phương pháp giáo dục; phương pháp tâm lí xã hội; …, phương pháp kết hợp. Tuỳ theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, giám đốc doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp nêu trên sao cho có hiệu quả nhất.
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức và điều hành doanh nghiệp, TS. Trần Văn Hùng, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)