1. Kinh tế học

Phương pháp chỉ số (Index method) là gì? Đặc điểm và vai trò

Mục Lục

Phương pháp chỉ số (Index method)

Phương pháp chỉ số trong tiếng Anh là Index method.

Trong thực tế đối tượng nghiên cứu của phương pháp chỉ số là những hiện tượng phức tạp, gồm các phần tử, đơn vị có đặc điểm tính chất khác nhau mà người ta không thể cộng trực tiếp để so sánh.

Do đó, có thể đưa ra định nghĩa về phương pháp chỉ số như sau:

Phương pháp chỉ số là phương pháp phân tích thống kê nghiên cứu sự biến động của những hiện tượng kinh tế xã hội gồm nhiều phần tử mà các đại lượng biểu hiện không thể trực tiếp cộng được với nhau.

Thuật ngữ liên quan

Chỉ số (Index) là số tương đối (đơn vị là: lần, %) biểu hiện quan hệ so sánh hai mức độ của một hiện tượng.

Hệ thống chỉ số (Index system) là dãy các chỉ số có liên hệ với nhau, hợp thành một đẳng thức nhất định.

Đặc điểm và vai trò của phương pháp chỉ số

- Phương pháp chỉ số biểu hiện về lượng của các phần tử trong hiện tượng phức tạp (có đơn vị tính khác nhau) được chuyển về dạng chung có thể trực tiếp cộng được với nhau, dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa nhân tố nghiên cứu với các nhân tố khác.

Ví dụ: Khối lượng sản phẩm các loại không thể cộng trực tiếp được với nhau. Tuy nhiên, khi được chuyển sang dạng giá trị bằng cách nhân với yếu tố giá cả, kết quả thu được của phép toán này để có thể trực tiếp cộng với nhau.

- Mặt khác, khi nghiên cứu biến động của một nhân tố, bằng cách giả định các nhân tố khác của hiện tượng phức tạp không thay đổi, phương pháp chỉ số cho phép loại trừ ảnh hưởng biến động của các nhân tố này để khảo sát sự biến động riêng biệt của các nhân tố cần nghiên cứu.

- Phương pháp chỉ số trong thống kê được dùng để nghiên cứu sự biến động của hiện tượng kinh tế xã hội theo thời gian và không gian, xác định vai trò và ảnh hưởng biến động của các nhân tố đối với sự biến động của hiện tượng phức tạp. Phương pháp chỉ số còn được vận dụng để phân tích sự biến động của chỉ tiêu bình quân.

(Tài liệu tham khảo: Một số thuật ngữ thống kê thông dụng, Tổng cục thống kê, NXB Thống kê; VOER)

Thuật ngữ khác