Pháp luật hợp đồng (Contract Law) là gì? Các bộ phận cấu thành chủ yếu
Mục Lục
Pháp luật hợp đồng (Contract Law)
Pháp luật hợp đồng trong tiếng Anh là Contract Law.
Pháp luật hợp đồng (Contract Law) là hệ thống các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giao kết, thực hiện, sửa đổi, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng và xử lí các vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật hợp đồng.
Các bộ phận cấu thành chủ yếu
1. Pháp luật về giao kết hợp đồng
Nguyên tắc giao kết hợp đồng:
- Tự do giao kết hợp đồng nhưng không trái với pháp luật và đạo đức xã hội
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực, ngay thẳng
Chủ thể hợp đồng:
- Chủ thể là cá nhân: cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự có quyền giao kết các loại hợp đồng một cách độc lập.
- Chủ thể là pháp nhân: các pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chủ thể khác: hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác,... Các chủ thể này tham gia các quan hệ hợp đồng trong một giới hạn nhất định.
Nội dung hợp đồng:
Nội dung hợp đồng bao gồm các điều khoản chứa đựng các quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Đây là căn cứ ràng buộc quyền và nghĩa vụ pháp lí cũng như hiệu lực pháp lí của hợp đồng. Về mặt lí thuyết, nội dung hợp đồng bao gồm các điều khoản sau: điều khoản chủ yếu, điều khoản khác.
Hình thức hợp đồng:
Hình thức hợp đồng là phương tiện ghi nhận những quyền và nghĩa vụ pháp lí do các bên thỏa thuận. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hình thức hợp đồng khá đa dạng. Các bên có thể thoả thuận bằng các hình thức như: lời nói; văn bản và các hình thức có giá trị tương đương văn bản (điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo qui định của pháp luật); hành vi cụ thể của các bên.
Thủ tục giao kết hợp đồng:
Quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng có thể được tiến hành theo các phương thức khác nhau với các trình tự, thủ tục nhất định. Việc giao kết hợp đồng có thể được tiến hành theo phương thức giao kết trực tiếp hoặc giao kết gián tiếp.
2. Pháp luật về thực hiện hợp đồng
Nguyên tắc thực hiện hợp đồng:
- Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác
- Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, đảm bảo tin cậy lẫn nhau
- Không xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng:
Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng là cách thức, biện pháp dự phòng nhằm bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ, ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.
Tuỳ từng trường hợp cụ thể, các bên có thể thỏa thuận áp dụng một hoặc một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng như sau: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, kí cược, kí quĩ, bảo lãnh, tín chấp.
3. Pháp luật về sửa đổi, hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do những điều kiện thực tế và để đáp ứng yêu cầu của các bên, các bên trong quan hệ hợp đồng có thể thỏa thuận sửa đổi, hủy bỏ hay chấm dút hợp đồng. Điều này cho thấy, việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng không thể cứng nhắc xuất phát từ chính thực tế phong phú, đa dạng, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.
4. Trách nhiệm pháp lí do vi phạm hợp đồng
Hợp đồng khi được xác lập và có hiệu lực pháp lí, các bên phải thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trên thực tế, không phải mọi chủ thể đều thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của mình. Sự vi phạm các nghĩa vụ có thể dẫn đến việc bên vi phạm phải gánh chịu các hình thức rách nhiệm pháp lí nhất định.
5. Hợp đồng vô hiệu và xử lí hợp đồng vô hiệu
Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên từ thời điểm xác lập. Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những tài sản đã nhận.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật kinh tế, NXB Tài chính)