Phân công lao động xã hội (Social division of labor) là gì? Yêu cầu
Mục Lục
Phân công lao động xã hội
Phân công lao động xã hội trong tiếng Anh được gọi là Social division of labor.
Phân công lao động xã hội là một trong những nội dung của công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam.
Từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa trong quá trình công nghiệp hoá tất yếu phải phân công lại lao động xã hội.
Phân công lao động xã hội là sự chuyên môn hóa lao động, tức là chuyên môn hóa sản xuất giữa các ngành, trong nội bộ từng ngành và giữa các vùng trong nền kinh tế quốc dân.
Trong đó
Đảng ta nêu ra quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa như sau:
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lí kinh tế - xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
Phân công lao động xã hội có tác dụng rất to lớn. Nó là đòn bẩy của sự phát triển công nghệ và năng suất lao động; cùng với cách mạng khoa học và công nghệ, nó góp phần hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lí.
Yêu cầu
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phân công lại lao động xã hội phải tuân thủ các quá trình có tính qui luật sau:
- Tỉ trọng và số tuyệt đối lao động nông nghiệp giảm dần, tỉ trọng và số tuyệt đối lao động công nghiệp ngày một tăng lên.
- Tỉ trọng lao động trí tuệ ngày một tăng và chiếm ưu thế so với lao động giản đơn trong tổng lao động xã hội.
- Tốc độ tăng lao động trong các ngành sản xuất phi vật chất (dịch vụ) tăng nhanh hơn tốc độ tăng lao động trong các ngành sản xuất vật chất.
Ở nước ta, phương hướng phân công lại lao động xã hội hiện nay cần triển khai trên cả hai địa bàn: tại chỗ và nơi khác để phát triển về chiều rộng kết hợp phát triển theo chiều sâu.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)