Nhờ thu phiếu trơn (Clean collection) trong thanh toán quốc tế là gì?
Mục Lục
Nhờ thu phiếu trơn (Clean collection)
Nhờ thu phiếu trơn - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Clean collection.
Nhờ thu phiếu trơn là phương thức thanh toán, trong đó chứng từ nhờ thu chỉ bao gồm chứng từ tài chính, còn các chứng từ thương mại được gửi trực tiếp cho người nhập khẩu không thông qua ngân hàng.
Theo định nghĩa của URC 522, "chứng từ" bao gồm các chứng từ tài chính và chứng từ thương mại.
- Chứng từ tài chính bao gồm: Hối phiếu, kì phiếu, séc, hoặc các phương tiện tương tự khác sử dụng trong việc chi trả, thanh toán tiền.
- Chứng từ thương mại bao gồm: Hóa đơn, chứng từ vận tải, các chứng từ có tiêu đề hoặc các chứng từ tương tự khác, hoặc bất kì chứng từ nào khác không phải là chứng từ tài chính. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Qui trình nhờ thu phiếu trơn
Qui trình nhờ thu phiếu trơn
Trong đó:
(1) Kí kết hợp đồng mua bán, trong đó điều khoản thanh toán qui định áp dụng phương thức "nhờ thu phiếu trơn".
(2) Người ủy thác (nhà xuất khẩu) gửi hàng hóa và bộ chứng từ thương mại trực tiếp cho Người trả tiền (nhà nhập khẩu).
(3) Nhà xuất khẩu gửi Đơn yêu cầu nhờ thu cùng chứng từ tài chính cho Ngân hàng nhờ thu để thu tiền từ nhà nhập khẩu.
(4) Ngân hàng nhờ thu lập và gửi Lệnh nhờ thu cùng chứng từ tài chính tới Ngân hàng thu hộ để thu tiền từ nhà nhập khẩu.
(5) Ngân hàng thu hộ thông báo Lệnh nhờ thu để nhà nhập khẩu:
- Trả tiền ngay (séc, kì phiếu hay hối phiếu trả ngay); hoặc
- Kí chấp nhận hối phiếu (hối phiếu kì hạn); hoặc
- Chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác.
(6) Nhà nhập khẩu trả tiền ngay, hoặc chấp nhận trả tiền.
(7) Ngân hàng thu hộ chuyển tiền nhờ thu, hoặc hối phiếu kì hạn đã chấp nhận cho Ngân hàng nhờ thu.
(8) Ngân hàng nhờ thu chuyển tiền nhờ thu, hoặc hối phiếu kì hạn đã chấp nhận cho nhà xuất khẩu.
Rủi ro trong phương thức nhờ thu phiếu trơn
Do việc trả tiền trong phương thức nhờ thu phiếu trơn không có căn cứ vào chứng từ thương mại, mà chỉ dựa vào chứng từ tài chính, do đó:
Rủi ro đối với nhà xuất khẩu
- Nếu nhà nhập khẩu vỡ nợ, thì nhà xuất khẩu chẳng bao giờ nhận được tiền thanh toán.
- Nếu năng lực tài chính của nhà nhập khẩu yếu kém, thì việc thanh toán sẽ dây dưa, chậm trễ và tốn kém.
- Nếu nhà nhập khẩu chủ tâm lừa đảo, vẫn nhận hàng nhưng từ chối thanh toán, hoặc từ chối chấp nhận thanh toán.
- Đến hạn thanh toán hối phiếu kì hạn nhưng nhà nhập khẩu không thể thanh toán hoặc không muốn thanh toán thì nhà xuất khẩu có thể kiện ra tòa nhưng rất tốn kém và không phải lúc nào cũng nhận được tiền.
Đối với nhà nhập khẩu
Rủi ro có thể phát sinh khi Lệnh nhờ thu đến trước hàng hóa và nhà nhập khẩu phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc chấp nhận trong khi hàng hóa không được gửi đi, hoặc đã được gửi đi nhưng chưa tới, hoặc khi nhận hàng hóa có thể là không đảm bảo đúng chất lượng như đã thỏa thuận trong hợp đồng thương mại.
Như vậy, rủi ro đối với nhà xuất khẩu rất lớn vì giữa việc nhận hàng và thanh toán của nhà nhập khẩu không có sự ràng buộc với nhau, cho nên nhờ thu phiếu trơn thường chỉ áp dụng trong trường hợp nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thực sự tin tưởng lẫn nhau, cụ thể, nhà xuất khẩu phải có thiện chí giao hàng, còn nhà nhập khẩu có thiện chí thanh toán. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)