Nhà tạo lập giá (Price Maker) là gì? Các loại Nhà tạo lập giá
Mục Lục
Nhà tạo lập giá
Khái niệm
Nhà tạo lập giá trong tiếng Anh là Price Maker.
Một nhà tạo lập giá là một chủ thể kinh tế có sự độc quyền, ví dụ như một công ty độc quyền cung cấp tiện ích điện/ nước, khiến cho họ có sức ảnh hưởng lên giá cả thị trường vì không có hàng hóa thay thế hoàn toàn cho sản phẩm của họ.
Trong thị trường cạnh tranh độc quyền, hàng hóa được nhà tạo lập giá sản xuất sẽ có điểm khác biệt với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu hoạt động của nhà tạo lập giá là tối đa hóa lợi nhuận.
Họ chỉ tăng sản lượng khi doanh thu biên lớn hơn chi phí biên, hay nói đơn giản là chỉ khi việc sản xuất nhiều hơn tạo ra lợi nhuận.
Đặc điểm Nhà tạo lập giá
Trong một thị trường tự do, giá cả sẽ được quyết định bởi các yếu tố cung và cầu.
Người mua và người bán đều có sức ảnh hưởng lên giá cả và cuối cùng đẩy giá đến một trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên, trong thị trường độc quyền, một công ty có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với nguồn cung thị trường, cho phép công ty đó quyết định mức giá thị trường. Họ là những nhà tạo lập giá.
Ví dụ, trong thị trường giao dịch cổ phiếu một công ty, nếu một người nắm giữ phần lớn cổ phiếu của công ty đó, họ sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu nếu mua hoặc bán một lượng lớn cổ phiếu đó.
Nếu không có cạnh tranh, người bán có thể giữ giá cao mà không cần phải quan tâm đến sự cạnh tranh giá cả từ nhà cung cấp khác.
Người tiêu dùng trong thị trường này chịu thiệt nhiều nhất, vì họ không có lựa chọn thay thế hoàn toàn nào với giá rẻ hơn cho cùng một loại sản phẩm.
Các loại Nhà tạo lập giá
- Trong độc quyền nhiều nhà máy (multiplant monopoly), công ty độc quyền sở hữu nhiều nhà máy sản xuất với các mức chi phí biên khác nhau khiến họ phải chọn mức sản lượng riêng cho từng nhà máy.
- Trong độc quyền song phương, công ty độc quyền chỉ có một người mua duy nhất hay người mua độc quyền. Kết quả của một giao dịch độc quyền song phương phụ thuộc vào bên có quyền lực đàm phán lớn hơn hoặc đưa ra một thỏa thuận giữa hai bên.
- Trong độc quyền đa sản phẩm, thay vì bán một sản phẩm, công ty độc quyền bán nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, họ vẫn phải tính đến trường hợp thay đổi giá của một trong các sản phẩm của họ, có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm còn lại.
- Trong độc quyền phân biệt đối xử, công ty độc quyền có thể tính giá khác nhau cho những người tiêu dùng khác nhau, tùy thuộc vào mức sẵn sàng chi trả của họ. Được chia thành nhiều mức độ khác nhau.
+ Mức độ 1: phân biệt đối xử hoàn hảo, công ty độc quyền đặt mức giá cao nhất mà mỗi người tiêu dùng sẵn sàng trả.
+ Mức độ 2: giá cố định phi tuyến, công ty độc quyền đặt mức giá tùy thuộc vào số lượng người tiêu dùng mua.
+ Mức độ 3: phân khúc thị trường, công ty độc quyền đặt mức giá khác nhau cho có các nhóm đối tượng tiêu dùng khác nhau, ví dụ sinh viên thường có giá thấp hơn nhân viên văn phòng.
- Trong độc quyền tự nhiên, do các yếu tố về chi phí công nghệ, thị trường sẽ trở nên hiệu quả hơn khi chỉ có một công ty duy nhất chịu trách nhiệm cho tất cả sản lượng sản xuất vì chi phí trong dài hạn sẽ thấp hơn.
Các Cơ quan quản lí và Luật chống độc quyền
Các cơ quan chính phủ các quốc gia sẽ là những người thi hành luật chống độc quyền và thúc đẩy thương mại tự do trong thị trường.
Ở Mỹ, hai cơ quan thi hành luật chống độc quyền là Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ).
Bất kì sự kiện sáp nhập hai hay nhiều doanh nghiệp đều phải thông qua sự chấp thuận của các cơ quan quản lí.
Nguyên nhân là do các vụ sáp nhập có khả năng hạn chế tính cạnh tranh trên thị trường và tạo ra một thị trường không công bằng.
Chỉ số Herfindahl-Hirschman, chỉ số đo lường mức độ tập trung của một thị trường cụ thể, là công cụ thường được sử dụng khi đưa ra quyết định về một sự kiện sáp nhập tiềm năng.
(Theo Investopedia)