Hợp đồng kì hạn (Forward contract) là gì? Sự khác biệt với hợp đồng tương lai
Mục Lục
Hợp đồng kì hạn
Hợp đồng kì hạn trong tiếng Anh được gọi là Forward contract.
Hợp đồng kì hạn là một hợp đồng tuỳ chỉnh giữa hai bên để mua hoặc bán một tài sản ở một mức giá đã xác định vào một ngày trong tương lai. (Theo Investopedia)
Hợp đồng kì hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng. (Theo Luật thương mại 2005)
Đặc điểm
- Không giống như hợp đồng tương lai, hợp đồng kì hạn không trao đổi trên thị trường, không được định giá hàng ngày.
- Hợp đồng kì hạn không phải tiêu chuẩn của thị trường riêng biệt, ngày thực hiện hợp đồng được xác định tuỳ theo từng hợp đồng.
- Giá trong hợp đồng kì hạn là giá giao hàng, tại thời điểm kí hợp đồng, giá chuyển giao được chọn để giá trị của hai bên mua bán là bằng không. Điều này có nghĩa là không có chi phí khi mua bán hợp đồng kì hạn.
- Hợp đồng kì hạn được nhà đầu tư sử dụng để tiến hành đầu cơ và bảo hộ.
Sự khác biệt giữa hợp đồng kì hạn và hợp đồng tương lai
- Về tính chất: điểm khác biệt lớn nhất giữa hợp đồng kì hạn và hợp đồng tương lai chính là tồn tại một sở giao dịch có tổ chức giao dịch hợp đồng tương lai, trong khi đối với hợp đồng kì hạn thì không. Như vậy, hợp đồng kì hạn chỉ là hợp đồng riêng biệt giữa hai bên còn hợp đồng tương lai được trao đổi trên thị trường.
Sở giao dịch hợp đồng tương lai, cho phép các nhà giao dịch vô danh được mua và bán các hợp đồng giao dịch tương lai mà không phải xác định rõ đối tác trong một hợp đồng cụ thể. Ngoài ra, Sở giao dịch còn tạo ra tính thanh khoản cao cho thị trường hợp đồng tương lai, giúp cho các đối tác tham gia vào hợp đồng tương lai thực hiện các nghĩa vụ của họ có hiệu quả hơn so với khi tham gia vào hợp đồng kì hạn.
- Về tính tiêu chuẩn hoá hợp đồng: không giống như các hợp đồng kì hạn, các hợp đồng tương lai được tiêu chuẩn hoá. Các hợp đồng kì hạn có thể được lập ra cho bất kì loại hàng hoá nào, với bất kì số lượng và chất lượng, thời hạn thanh toán được hai bên tham gia hợp đồng chấp thuận. Trong khi đó, các hợp đồng tương lai niêm yết tại các Sở giao dịch được quy định đối với một số hàng hoá cụ thể và đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng và tại một thời điểm giao hàng xác định.
- Về rủi ro trong thanh toán: Sử dụng các hợp đồng tương lai được niêm yết trên Sở giao dịch sẽ kiểm soát được rủi ro thanh toán. Trong các giao dịch hợp đồng tương lai, cả bên mua và bên bán không biết ai là đối tác của mình. Trung tâm thanh toán bù trừ thực hiện chức năng trung gian thanh toán trong tất cả các giao dịch.
Đối với các hợp đồng kì hạn, các khoản lỗ và lãi sẽ được thanh toán khi các hợp đồng đáo hạn, Trong khi đó đối với các hợp đồng tương lai, những thay đổi về giá trị của các bên tham gia hợp đồng (thông qua tài khoản) được điều chỉnh hàng ngày theo mức giá trị thị trường. Các hợp đồng tương lai còn có một số yêu cầu kí quĩ nhất định. Như vậy, chính sự kết hợp giữa việc thanh toán hàng ngày và yêu cầu kí quĩ sẽ giúp phòng ngừa được rủi ro trong thanh toán của hợp đồng tương lai.
- Về tính thanh khoản: do có sự tham gia của trung tâm thanh toán bù trừ, tính thanh khoản của các hợp đồng tương lai cao hơn nhiều so với các hợp đồng kì hạn.
Hợp đồng kì hạn | Hợp đồng tương lai |
Là hợp đồng riêng biệt giữa hai bên | Là hợp đồng trao đổi trên thị trường |
Không chuẩn hoá hợp đồng | Tiêu chuẩn hoá hợp đồng |
Thường chuyển giao hàng hoá vào ngày riêng | Ngày giao hàng nhất định |
Thanh toán ở thời điểm chấm dứt hợp đồng | Thanh toán hàng ngày |
Giao hàng hoặc thanh toán tiền mặt thường được thực hiện | Hợp đồng thường đóng trạng thái trước khi thực hiện |
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 2018, NXB Tài chính)