Nguyên lí thứ năm (The Fifth Discipline) là gì? Các nguyên tắc chính
Mục Lục
Nguyên lí thứ năm
Nguyên lí thứ năm trong tiếng Anh là The Fifth Discipline.
Nguyên lí thứ năm là mô hình được Senge phát triển năm 1990. Nó mô tả năm nguyên lí cần thiết để tạo ra một tổ chức học tập: làm chủ bản thân, tâm thức, tầm nhìn được chia sẻ, học tập theo nhóm và tư duy có hệ thống. Trong số đó, tư duy hệ thống kết hợp được cả năm nguyên lí với nhau.
Mỗi "qui luật" là tập hợp những nguyên tắc và hoạt động thực tế chúng ta nghiên cứu, thực hành và áp dụng vào đời sống.
Năm qui luật nêu trên cần được xem xét trên ba cấp độ khác biệt:
1. Thực tiễn: Những gì bạn làm.
2. Qui luật: Hướng dẫn các quan niệm và hiểu biết bên trong.
3. Bản chất: Trạng thái tồn tại với khả năng làm chủ cao các qui tắc. Mỗi nguyên lí đều đưa ra những phương diện sống còn mà một tổ chức cần học hỏi.
Nguyên lí thứ năm là một mô hình được sử dụng để tạo ra một tổ chức học tập. Đó là một tổ chức mà trong đó mọi người không ngừng phát triển năng lực của mình để đạt được kết quả thực sự mong muốn, nơi cách nghĩ mới và cởi mở được nuôi dưỡng, nơi những mong muốn của tập thể được tự do phát triển và mọi người không ngừng học hỏi lẫn nhau.
Những nguyên tắc tạo nên một tổ chức học tập
Năm nguyên tắc cần thiết để tạo ra một tổ chức học tập là:
1. Tư duy hệ thống
Tư duy hệ thống là mấu chốt của một tổ chức học tập. Nguyên lí này tập hợp toàn bộ các nguyên lí còn lại vào một tổ chức học tập và gắn kết tất cả các nguyên lí khác vào một thể thống nhất về cả lí thuyết và thực tiễn.
2. Làm chủ bản thân
Một tổ chức chỉ có thể học hỏi thông qua sự học hỏi của các cá nhân. Cá nhân học hỏi không đảm bảo cho một tổ chức học hỏi. Tuy nhiên sẽ không có tổ chức học hỏi nếu không có cá nhân học hỏi. Làm chủ bản thân là không ngừng xác định và làm sâu sắc thêm tầm nhìn của cá nhân, tập trung năng lực, nâng cao lòng kiên trì và nhìn nhận thực tế một cách khách quan.
3. Tiềm thức
Tiềm thức là những hình ảnh, quan niệm và tổng kết đã ăn sâu vào trí óc, có tác động tới việc con người ta hiểu thế giới ra sao và hành động như thế nào. Nguyên lí này bắt đầu với sự nhìn nhận từ bên trong, tìm hiểu xem hình ảnh về thế giới trong mỗi con người như thế nào và đưa chúng ra xem xét kĩ càng.
Nó còn là khả năng thực hiện những đối thoại mang tính học hỏi nhằm cân bằng giữa kĩ năng chất vấn và kĩ năng thuyết phục, nơi người ta có khả năng diễn đạt suy nghĩ hiệu quả và biết lắng nghe cởi mở tranh luận của người khác.
4. Xây dựng tầm nhìn chung
Senge cho rằng khả năng xây dựng và chia sẻ tương lai rất quan trọng với người lãnh đạo trong việc khuyến khích cấp dưới của mình học hỏi. Có được tầm nhìn như vậy sẽ là sức mạnh khuyến khích những thử nghiệm và sáng tạo mới. Điều này cũng đồng thời tăng cường ý thức về sự gắn bó lâu dài, điều cơ bản trong "nguyên lí thứ năm" này.
5. Học tập theo nhóm
Học tập theo nhóm được xem là quá trình phối hợp và phát triển khả năng của một nhóm để tạo ra kết quả mà từng thành viên trong đó thực sự mong muốn. Nó được xây dựng dựa trên sự làm chủ bản thân và chia sẻ tầm nhìn của các cá nhân, các cá nhân cần biết cách cùng nhau hành động.
Senge cho rằng cả nhóm cùng học hỏi sẽ không chỉ mang lại kết quả tốt cho toàn bộ tổ chức đó mà từng thành viên cũng học hỏi nhanh hơn khi họ làm việc riêng rẽ.
(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)