1. Kinh tế quốc tế

Ngoại giao văn hóa (Cultural diplomacy) là gì?

Mục Lục

Ngoại giao văn hóa

Ngoại giao văn hóa trong tiếng Anh là cultural diplomacy.

Ở góc độ quan hệ quốc tế, có thể khái quát ngoại giao văn hóa như sau:

Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng.  

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, ngoại giao văn hóa có thể bao gồm cả việc giới thiệu các thành tựu khoa học kĩ thuật, nghệ thuật, khoa học xã hội… không chỉ của riêng quốc gia mà còn của các nhóm quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế.

Cũng cần phân biệt rõ giữa ngoại giao văn hóa và văn hóa ngoại giao. Ngoại giao văn hóa là dùng văn hóa để làm ngoại giao, trong khi đó văn hóa ngoại giao thiên về những biểu hiện, cách ứng xử của các cán bộ ngoại giao (phong thái ngoại giao) hoặc cách thức giải quyết vấn đề đối ngoại của một quốc gia dựa trên tư tưởng, chính sách và các ảnh hưởng văn hóa.

Vai trò của ngoại giao văn hóa

Trong thời đại toàn cầu hóa và với sự nổi trội của xu hướng "đối thoại thay cho đối đầu", ngoại giao văn hóa được xem là một trong 3 trụ cột chính của hoạt động ngoại giao, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. 

Nền ngoại giao của một quốc gia thường chịu ảnh hưởng không ít từ nền văn hóa dân tộc, văn hóa ngoại giao và kĩ năng của bản thân các nhà ngoại giao, vốn cũng là những yếu tố tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách về ngoại giao văn hóa của một nước.

Đối tượng hướng tới của ngoại giao văn hóa thường là chính phủ và/hoặc nhân dân của các quốc gia khác.

Vai trò của ngoại giao văn hóa

Vai trò chính trị:

Đối với các nước lớn, ngoại giao văn hóa là con đường để mở rộng ảnh hưởng của mình với thế giới.

Đối với các nước nhỏ hơn, ngoại giao văn hóa được sử dụng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và tăng cường phát triển, qua đó các nước này sẽ được chú ý nhiều hơn và nâng cao tiếng nói trên trường quốc tế. 

Vai trò kinh tế:

Ngoại giao văn hóa còn giúp thu hút đầu tư, du lịch và khai thác các ngành công nghiệp văn hóa. 

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc:

Ngoại giao văn hóa không phải là hoạt động một chiều mà là sự trao đổi qua lại có tương tác. Quá trình trao đổi này giúp các quốc gia tiếp nhận các giá trị và thành tựu văn hóa nổi bật của nhân loại để làm giàu thêm kho tàng văn hóa của mình, đồng thời định hướng việc gìn giữ, phát huy và điều chỉnh các giá trị văn hóa riêng cho phù hợp với dòng chảy phát triển chung của thế giới.

Các nguyên tắc và loại hình hoạt động

Nhìn chung, nội dung của ngoại giao văn hóa được thể hiện qua nhiều loại hình hoạt động văn hóa cụ thể khác nhau như:

- Thông tin tuyên truyền đối ngoại; 

- Xây dựng các cơ sở, công trình văn hóa, lịch sử ở nước ngoài; 

- Giao lưu, trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật; 

- Hợp tác với quốc gia khác cùng tổ chức các sự kiện văn hóa; 

- Tham gia các hoạt động và các tổ chức hợp tác quốc tế về văn hóa; 

- Tổ chức các hoạt động văn hóa thông qua cộng đồng kiều bào.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thực hiện và triển khai thành công chiến lược ngoại giao văn hóa, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại Việt Nam, năm 2009 được chọn là "Năm Ngoại giao Văn hóa". Trong năm này Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao văn hoá tại nhiều nước trên thế giới và đạt nhiều kết quả được đánh giá là mang tính đột phá, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, mở rộng giao lưu quốc tế.

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Thuật ngữ khác