Hỗn hợp sản phẩm (Product Mix) là gì? Thiết kế hỗn hợp sản phẩm
Mục Lục
Hỗn hợp sản phẩm (Product Mix)
Hỗn hợp sản phẩm trong tiếng Anh là Product Mix.
Hỗn hợp sản phẩm là tổng thể các sản phẩm mà doanh nghiệp kinh doanh, là tập hợp tất cả các nhóm chủng loại hàng hóa (các dòng sản phẩm) của doanh nghiệp.
Ví dụ: Hỗn hợp sản phẩm công ty Avon bao gồm 4 dòng chính: mĩ phẩm, đồ trang sức, quần áo thời trang, và các loại hàng gia dụng. Trong dòng hàng mĩ phẩm lại thành các nhóm như: sáp môi, phấn... Mỗi nhóm lại bao gồm nhiều mặt hàng cụ thể.
Hỗn hợp sản phẩm của các doanh nghiệp cụ thể thường khác nhau về bề rộng, mức độ phong phú, bề sâu và mức độ hài hoà của nó.
Thiết kế hỗn hợp sản phẩm
Có bốn khía cạnh cơ bản mà nhà quản trị marketing quan tâm tới khi thiết kế hỗn hợp sản phẩm của mỗi doanh nghiệp:
- Bề rộng của hỗn hợp sản phẩm: Số lượng dòng sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất (số lượng các nhóm chủng loại hàng hóa doanh nghiệp kinh doanh).
- Mức độ phong phú của hỗn hợp sản phẩm: Số lượng những mặt hàng cụ thể trung bình trong mỗi dòng (số lượng các chủng loại của cùng một mặt hàng).
- Độ sâu của hỗn hợp sản phẩm của doanh nghiệp: Số các phương án chào bán của từng mặt hàng cụ thể. Ví dụ, thuốc đánh răng Crest có 3 kiểu đóng gói.
- Sự tương thích (mức độ hài hòa) của hỗn hợp sản phẩm: Là mức độ gần gũi của hàng hóa thuộc các dòng khác nhau xét theo góc độ mục đích sử dụng cuối cùng, theo yêu cầu về tổ chức sản xuất, các kênh phân phối hay các chỉ tiêu nào đó. Các dòng sản phẩm có thể hỗ trợ nhau trong tiêu thụ hoặc cùng được sản xuất ra từ những yếu tố sản xuất giống nhau.
Bốn thông số đặc trưng cho danh mục hàng hóa này giúp doanh nghiệp xác định chiến lược sản phẩm của họ. Doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động bằng 4 phương thức.
Nhà quản trị marketing có thể mở rộng danh mục hàng hóa bằng cách bổ sung thêm những dòng sản phẩm mới. Họ cũng phải xác định mỗi dòng sản phẩm có bề rộng như thế nào? Nghĩa là có bao nhiêu nhóm sản phẩm trong mỗi dòng sản phẩm của của doanh nghiệp.
Trong quá trình kinh doanh trên thị trường, doanh nghiệp phải định bề rộng và chiều sâu của dòng sản phẩm, quyết định mở hay thu hẹp dòng sản phẩm đã có.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)