Nền kinh tế thế giới (Global economy) là gì? Các bộ phận của nền kinh tế
Mục Lục
Nền kinh tế thế giới
Nền kinh tế thế giới hay nền kinh tế toàn cầu trong tiếng Anh được gọi là global economy hay world economy.
Nền kinh tế thế giới là tổng thể các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới có mối liên hệ hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau thông qua các quan hệ kinh tế quốc tế trên cơ sở phân công lao động quốc tế.
Các bộ phận
Các bộ phận của nền kinh tế thế giới:
- Các chủ thể kinh tế quốc tế
+ Thứ nhất: Các nền kinh tế quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập trên thế giới
Quan hệ giữa các chủ thể: Thông qua việc kí kết các hiệp định kinh tế, văn hóa và khoa học - công nghệ giữa hai quốc gia hay từng nhóm quốc gia.
Theo trình độ phát triển kinh tế, các quốc gia trên thế giới được chia thành 3 loại:
Các nước phát triển
Các nước đang phát triển
Các nước chậm phát triển
+ Thứ hai: Các chủ thể ở cấp độ thấp hơn bình diện quốc gia
Các chủ thể này có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn thấp hơn cấp quốc gia. Đó là những công ty, xí nghiệp, tập đoàn, đơn vị kinh doanh.
Quan hệ giữa các chủ thể: Thông qua việc kí kết các hợp đồng thương mại, đầu tư trong khuôn khổ của những hiệp định được kí kết giữa các quốc gia.
+ Thứ ba: Các chủ thể kinh tế ở cấp độ quốc tế
Các chủ thể này có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cao hơn cấp quốc gia.
Đó là các tổ chức quốc tế hoạt động với tư cách là những thực thể độc lập, có địa vị pháp lí rộng hơn địa vị pháp lí của chủ thể quốc gia như IMF, WB, EU, ASEAN...
Ngoài ra, còn một loại chủ thể kinh tế quan trọng (các công ty xuyên quốc gia) đang chiếm một tỉ trọng lớn trong các hoạt động thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ.
- Các quan hệ kinh tế quốc tế
Các quan hệ kinh tế quốc tế: là bộ phận cốt lõi của nền kinh tế thế giới, là kết quả tất yếu của sự tác động qua lại giữa các chủ thể kinh tế quốc tế.
Quan hệ kinh tế quốc tế là tổng thể các quan hệ về vật chất và tài chính diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ có liên quan đến tất cả các giai đoạn của quá trình tái sản xuất.
Quan hệ kinh tế quốc tế diễn ra giữa các quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với các tổ chức kinh tế quốc tế.
Căn cứ vào đối tượng vận động, các quan hệ kinh tế quốc tế được chia thành các hoạt động sau:
+ Thương mại quốc tế
+ Đầu tư quốc tế
+ Hợp tác quốc tế về kinh tế và khoa học công nghệ
+ Các dịch vụ quốc tế nhằm thu ngoại tệ
Trong các quan hệ kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế ra đời sớm nhất và ngày nay vẫn giữ vị trí trung tâm.
Nội dung của các quan hệ kinh tế quốc tế rất phong phú, phức tạp và tiếp tục phát triển theo sự phát triển của khoa học – công nghệ và nhu cầu ngày càng đa dạng của con người.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về kinh tế học quốc tế, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)