1. Kinh tế công cộng

Mua sắm công xanh (Green Public Procurement - GPP) là gì? Nguyên tắc

Mục Lục

Mua sắm công xanh 

Mua sắm công xanh hay còn gọi là mua sắm xanh trong tiếng Anh được gọi là Green Public Procurement - GPP.

Mua sắm công xanh được định nghĩa là một quá trình theo đó cơ quan công quyền tìm cách mua sắm hàng hóa, dịch vụ và làm việc mà có sự giảm thiểu tác động môi trường trong suốt vòng đời của các sản phẩm này khi so sánh với hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có cùng các chức năng chính thường được mua sắm (Theo European Commission, 2014).

Nội dung của mua sắm công xanh

Mua sắm công xanh đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải cân nhắc sự cần thiết của việc mua sắm cũng như những tác động môi trường của sản phẩm hay dịch vụ đó ở tất cả các giai đoạn, vòng đời của chúng trước khi đưa ra quyết định mua sắm.

Theo Ủy ban châu Âu (2011), trong việc xác định những sản phẩm, dịch vụ và các lĩnh vực hoạt động ưu tiên trong mua sắm công xanh, có ba yếu tố chính nên lưu ý đầu tiên:

- Tác động môi trường - Chọn các sản phẩm (ví dụ như xe công) hoặc dịch vụ (ví dụ như dịch vụ vệ sinh) tác động lớn đối với môi trường trong suốt chu kì vòng đời của chúng.

- Tầm quan trọng ngân sách - nỗ lực tập trung vào các lĩnh vực chi tiêu quan trọng trong chính quyền.

- Khả năng gây ảnh hưởng đến thị trường - tập trung vào các khu vực có tiềm năng ảnh hưởng đến thị trường nhất. Vấn đề này có thể do qui mô hoặc tầm nhìn của hợp đồng, hoặc giá trị được đặt ra bởi các nhà cung cấp đối với các khách hàng khu vực công.

Bốn nguyên tắc cơ bản của mua sắm xanh

Để thực hiện mua sắm xanh một cách hiệu quả và thành công, mạng lưới mua sắm xanh quốc tế (IGPN) đã xác định bốn nguyên tắc cơ bản của mua sắm xanh như sau:

- Nguyên tắc 1: Tính cần thiết

Bước đầu tiên trước khi mua sắm, cân nhắc kĩ xem sản phẩm hay dịch vụ có cần thiết hay không. Việc sửa chữa hay thay đổi cũng nên được cân nhắc đối với các sản phẩm đang được sử dụng. 

Bên cạnh đó, giải pháp thuê hoặc cho thuê cũng nên được xem xét hoặc mua các sản phẩm mới với số lượng vừa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

- Nguyên tắc 2: Vòng đời của sản phẩm

Khi quyết định mua, các tác động khác nhau tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi sản phẩm bị thải bỏ, cần phải xem xét và cân nhắc đến một số các đặc tính sau:

+ Giảm thiểu các chất độc hại

Người tiêu dùng có thể góp phần giảm thiểu phát sinh các chất có hại bằng cách lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường hay những sản phẩm chứa ít các chất độc hại. 

Điều này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất loại bỏ việc sử dụng các chất gây hại đến môi trường và sức khỏe con người trong quá trình sản xuất sản phẩm hay dịch vụ.

+ Sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng

Khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm tiết kiệm tài nguyên và năng lượng.

+ Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên

Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm sử dụng tài nguyên thiên nhiên tái tạo một cách bền vững, theo đó các tài nguyên tái tạo phải được sử dụng hiệu quả để giảm thiểu tối đa các tác động xấu đến môi trường.

+ Tăng độ bền

Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có tuổi thọ sử dụng lâu dài. Ngoài ra, trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc đến việc sử dụng các bộ phận thay thế, khả năng sửa chữa và thời gian bảo trì. Nên tránh mua sản phẩm có yêu cầu thay thế các bộ phận quá thường xuyên.

+ Thiết kế để tái sử dụng

Người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có thể tái sử dụng mà không cần phải sản xuất lại cho cùng mục đích sử dụng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể gánh nặng cho môi trường.

+ Thiết kế để tái chế

Giải pháp tốt nhất cho những sản phẩm khi không thể sử dụng tiếp là tái chế. Trước khi quyết định mua một sản phẩm, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc hệ thống thu hồi và tái chế sẵn có cho những vật liệu đó.

+ Sản phẩm có chứa vật liệu tái chế

Sản phẩm có chứa các vật liệu tái chế hoặc những bộ phận có thể tái sử dụng sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu phát sinh chất thải.

+ Tính thải bỏ

Với những sản phẩm không thể sử dụng nhiều lần hoặc tái chế, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm cho phép dễ dàng xử lí và thải bỏ nhằm giảm tối đa các tác động xấu đến môi trường.

- Nguyên tắc 3: Nỗ lực của nhà cung ứng

Ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cũng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng như: 

Liệu doanh nghiệp có áp dụng chính sách môi trường không? Có triển khai các biện pháp quản lí môi trường phù hợp hay không? Hoặc họ có tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường không?

- Nguyên tắc 4: Thu thập thông tin về môi trường

Trước khi quyết định mua một sản phẩm, người tiêu dùng nên quan tâm đến những thông tin môi trường như nhãn môi trường, thông tin của doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc website. 

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu nhà phân phối cung cấp các thông tin chi tiết hơn về môi trường của sản phẩm đó.

(Tài liệu tham khảo: Chuỗi cung ứng xanh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thuật ngữ khác