Mô hình 3F (Feed, Farm, Food) là gì? Mô hình 3F với ngành chăn nuôi Việt Nam
Mục Lục
Mô hình 3F
Mô hình 3F trong tiếng Anh gọi là: Feed, Farm, Food.
Mô hình 3F là viết tắt của feed – farm – food tức là qui trình sản xuất thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm. (Theo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam)
Mô hình 3F là chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp kinh doanh có qui mô lớn, có nguồn lực có thể đầu tư kinh doanh từ xây dựng nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp đến xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp, nhà máy chế biến và sở hữu chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Sự phát triển mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khép kín này có thể bắt đầu từ một khâu trong chuỗi cung ứng, sau đó mới phát triển xuôi hoặc ngược.
Mô hình này đang được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, phù hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực vốn và nhân lực lớn.
(Theo: Một số vấn đề về phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho thị trường nội thành Hà Nội, PGS. TS. Trương Đình Chiến, Tạp chí Công thương, 2020)
Mô hình 3F với ngành chăn nuôi Việt Nam
Có thể nói, mô hình 3F đã làm thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi.
Nếu trước đây, ngành chăn nuôi “bị chặt ra nhiều khúc”, như làm giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, trong đó từng công đoạn lại có lợi nhuận riêng, rủi ro riêng và lợi nhuận không phân phối đều, ngoài ra đó là tư tưởng “cha chung không ai khóc”, khi sản phẩm bị từ chối trên thị trường, trách nhiệm không biết thuộc về ai.
Nhưng mô hình 3F rõ ràng đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu làm giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm… tất cả phải có sự liên thông, minh bạch.
Một chuyển biến rõ nét đó là các nhà máy sản xuất thức ăn ngày nay buộc phải liên kết chặt chẽ với các trang trại và cung cấp các chứng nhận về sản xuất thức ăn sạch cho các trang trại. Thậm chí, các nhà máy sản xuất thức ăn còn tham gia vào quá trình nuôi và cung ứng sản phẩm chăn nuôi ra thị trường.
Sự phát triển “thần tốc” của mô hình chăn nuôi 3F, đề cao cung ứng sản phẩm theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc đã làm thay đổi căn bản ngành chăn nuôi Việt Nam.
Khái niệm về một nhà máy hay một ngành sản xuất chuyên biệt ngày càng trở nên lạc hậu, thay vào đó là việc vận hành sản xuất theo chuỗi khép kín trong chăn nuôi từ sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến và cung ứng đến tận tay người tiêu dùng.
(Tài liệu tham khảo: Mô hình 3F: Hướng tới văn minh, Tạp chí Thế giới Gia cầm, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, 2018)