Mâu thuẫn trong nhóm làm việc (Team Conflict) là gì? Phân loại
Mục Lục
Mâu thuẫn trong nhóm làm việc
Mâu thuẫn trong nhóm làm việc trong tiếng Anh được gọi là Team Conflict.
Mâu thuẫn trong nhóm làm việc có thể được hiểu đó là sự khác nhau về nhận thức, quan điểm và ý thức về một vấn đề nào đó.
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong hoạt động nhóm. Không phải tất cả các mâu thuẫn đều có hại cho hoạt đông nhóm, có những mâu thuẫn giúp cho hoạt động nhóm có hiệu quả hơn.
Phân loại
Khi xem xét các mâu thuãn trong nhóm, người quản lí cần phân biệt ba loại cơ bản:
- Mâu thuẫn chức năng: đó là những mâu thuân xuất hiện trong quá trình thực hiện các chức năng cơ bản của nhóm.
Đây là loại mâu thuẫn cần được khuyến khích. Mâu thuẫn này xuất hiện do sự khác nhau về nhận thức và cách xử lí về cùng một vấn đề của các thành viên trong nhóm.
Trong quá trình xử lí các vấn đề, các thành viên trong nhóm có thể có những quan điểm, cách nhìn nhận và xử lí vấn đề khác nhau, điều đó là đương nhiên.
Nhóm cần khuyến khích các thành viên của mình tham gia thảo luận để tìm kiếm phương án xử lí tốt nhất. Quá trình thảo luận nhóm một cách dân chủ, sẽ giúp những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo có điều kiện xuất hiện.
Các biện pháp sử dụng quyền lực của người quản lí nhóm, hoặc của đa số mọi người trong nhóm để áp chế những ý kiến, quan điểm của một thiểu số trái ngược với mình đều có thể làm thui chột những ý tưởng sáng tạo trong nhóm.
Do vậy, người đứng đầu nhóm cần khuyến khích mọi người tham gia thao luận một cách dân chủ cho mọi vấn đề.
Những vấn đề sau khi thảo luận cần được thống nhất trong nhóm theo đa số, có những vấn đề còn có quan điểm trái ngược của một số ít người thì cần cho phép bảo lưu khi có điều kiện đưa ra xem xét lại.
- Mâu thuẫn vì lợi ích: đây là những loại mâu thuẫn nảy sinh do sự khác biệt nhau về cá tính, hoặc về quyền lợi cá nhân. Mâu thuẫn này không được khuyến khích, nó thường phá hỏng sự đoàn kết trong nhóm, ngăn cản sự phát triển của nhóm.
Những mâu thuẫn này sẽ dẫn đến tình trạng bè phái trong nhóm. Để tránh mâu thuẫn này xuất hiện, người quản lí nhóm cần phải giám sát chặt chẽ mâu thuẫn trong nhóm, xác định nguồn gốc gây ra mâu thuẫn trong nhóm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Biện pháp tốt nhất đó là mọi thông tin trong nhóm cần được công khai minh bạch, mọi vấn đề xử lí mâu thuẫn người quản lí phải thực sự công tâm, khách quan và dựa trên các quy chế của nhóm để giải quyết, tránh tình trạng thiên vị, nể nang.
- Mâu thuẫn trong vai trò: khi những gì mà người ta mong đợi bạn ở vai trò này lại đối lập với những gì mà người ta mong đợi bạn ở vai trò khác được xem là mâu thuẫn trong vai trò.
Điều này thường mang đến sự lúng túng, khó xử cho bạn vì rất khó dung hòa nhiều cấp độ quyền lực và hành vi, nhất là khi chúng lại xung đột với nhau. Một số điểm cần lưu ý trong loại mâu thuẫn này:
+ Sự không tương thích trong vai trò. Khi những người khác nhau có những mong đợi khác nhau ở bạn trong cùng một vai trò nào đó thì có sự không tương thích trong vai trò.
Ví dụ: các thành viên trong nhóm mong muốn bạn là người cấp trên dễ tính, trong khi cấp trên của bạn thì lại muốn bạn cứng rắn và không khoan nhượng với cấp dưới. Bạn khó có thể thỏa mãn hết tất cả những ý muốn khác nhau, nhất là khi chúng khác biệt quá nhiều.
+ Sự không tương thích trong vai trò cũng có thể xảy ra khi những tiêu chuẩn và mục đích của riêng bạn không thống nhất với những tiêu chuẩn và mục đích của doanh nghiệp; hoặc hình ảnh mà bạn hình dung về bản thân không trùng hợp với hình ảnh mà người khác nghĩ về bạn.
Hướng giải quyết: Để giảm căng thẳng do sự xung đột hay sự không tương thích trong vai trò gây ra, bạn có thể:
+ Luôn tuân theo những qui tắc bạn đặt ra và đừng cho phép mình rơi vào tình trạng thỏa hiệp.
+ Phân định rạch ròi thời gian của bạn, ví dụ: sáng là thời gian dành cho công việc, buổi tối và cuối tuần là giải trí.
+ Luôn là chính mình - những người khác dần sẽ hiểu, và họ có thể mong đợi ở bạn điều gì qua chính cách thể hiện của bạn.
(Tài liệu tham khảo: Kĩ năng làm việc nhóm, TS. Trương Minh Đức, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)