Cơ chế thị trường (Market Mechanism) là gì?
Mục Lục
Cơ chế thị trường (Market Mechanism)
Cơ chế thị trường trong tiếng Anh là Market Mechanism.
Cơ chế thị trường thường được hiểu là một hệ thống thị trường tự do. Đối với một người dân, tự do có nghĩa là khi bạn đi đến một thị trường, sẽ không có giới hạn nào ở đó - bạn có thể mua bao nhiêu tùy thích hoặc bán ở bất kì mức giá nào hoặc chọn không làm gì.
Cũng có thể hiểu cơ chế thị trường là quá trình tương tác lẫn nhau giữa các chủ thể (hoạt động) kinh tế trong việc hình thành giá cả, phân phối tài nguyên, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất.
Sự tương tác của các chủ thể tạo nên những điều kiện nhất định để nhà sản xuất, với hành vi tối đa hóa lợi nhuận, sẽ căn cứ vào giá cả thị trường để quyết định ba vấn đề: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai.
Hiểu về cơ chế thị trường
- Trong cơ chế thị trường, bạn được tự do đưa ra quyết định liên quan đến việc mua và bán. Adam Smith đã sử dụng sự tự do này để hình thành khái niệm về bàn tay vô hình.
- Bàn tay vô hình đề cập đến các hành động hay quyết định cá nhân của các tác nhân kinh tế dẫn đến phúc lợi tối đa cho nền kinh tế. Các quyết định này hoạt động về mặt cung và cầu cho một hàng hóa, được gọi chung là cơ chế thị trường.
- Theo Adam Smith mọi hoạt động của các cá nhân trong xã hội chỉ nhằm phục vụ lợi ích của chính các cá nhân đó, chứ không phải vì lợi ích cộng đồng.
- Tuy nhiên, thông qua phân công lao động, thông qua thị trường và cơ chế giá cả, toàn bộ xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ hoạt động riêng lẻ của các cá nhân, một "bàn tay vô hình" sẽ dẫn dắt con người trong khi làm việc có lợi cho mình thì đồng thời đã đóng góp lợi ích cho tập thể.
Phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường
- Phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường phải tuân thủ theo các qui luật của thị trường như qui luật về sự khan hiếm, qui luật cung - cầu, qui luật giá trị... để phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn lực của xã hội.
- Phương thức phân bổ nguồn lực lấy động cơ tối đa hóa lợi ích làm mục tiêu phân bổ. Nguồn lực sẽ được phân bổ vào những ngành, lĩnh vực hay địa bàn nào mang lại lợi ích tối đa cho người sở hữu nguồn lực đó. Theo hình thức phân bổ này, hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra được cung cấp theo giá cả cân bằng cung - cầu trên thị trường.
- Mặc dù vậy, cơ chế thị trường không thể bao quát hết toàn bộ nền kinh tế quốc dân, vì còn những mục tiêu khác mà xã hội muốn theo đuổi chứ không chỉ tối đa hóa lợi ích cá nhân, ví dụ như mục tiêu công bằng hay ổn định kinh tế vĩ mô.
(Tài liệu tham khảo: Economics discussion; Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)