Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (Financial Action Task Force - FATF) là gì?
Mục Lục
Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế
Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế trong tiếng Anh là Financial action task force, viết tắt là FATF.
Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. FATF là cơ quan liên chính phủ được thành lập vào tháng 7/1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris với nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn, phát triển và thúc đẩy các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT).
FATF tập hợp các chuyên gia lập pháp, tài chính và thi hành pháp luật để đạt được các cuộc cải cách của các quốc gia về lập pháp và quản lí công tác chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Hiện nay, thành viên của tổ chức này gồm 36 nước, vùng lãnh thổ và hai tổ chức vùng. FATF cũng hợp tác với một số cơ quan, tổ chức quốc tế với vai trò là quan sát viên của FATF; Các cơ quan, tổ chức này không có quyền bỏ phiếu nhưng được phép tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể và các nhóm công tác của FATF.
Các khuyến nghị của FATF
Nhiệm vụ hàng đầu của FATF là giúp các nước thành viên ban hành các qui định về chống rửa tiền và mục tiêu cuối cùng là ban hành được luật phòng, chống rửa tiền. Theo hướng này, tháng 4/1990, FATF đưa ra 40 khuyến nghị nhằm chống lại sự lạm dụng hệ thống tài chính để rửa tiền buôn lậu ma túy.
Các khuyến nghị này được thiết lập như một khuôn khổ toàn diện về chống rửa tiền để áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Các khuyến nghị đưa ra các nguyên tắc chung, cho phép các nước có thể áp dụng linh hoạt tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể và phù hợp với hiến pháp của mỗi nước. Mặc dù không có hiệu lực bắt buộc, nhưng các khuyến nghị đã được cộng đồng quốc tế và các tổ chức liên quan thông qua một cách rộng rãi như một tiêu chuẩn cho công tác phòng, chống rửa tiền.
Các nước sẽ phải thực thi đầy đủ các khuyến nghị này nếu muốn được cộng đồng thế giới coi là đang tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về AML. Năm 1996 và 2003, 40 khuyến nghị này đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những diễn biến mới trong lĩnh vực rửa tiền và để phản ánh sự phát triển của những mô hình AML tốt nhất trên thế giới.
Từ tháng 10/2001, FATF đã mở rộng sứ mệnh của mình vượt ra khỏi phạm vi chống rửa tiền (AML) để thực hiện thêm nhiệm vụ về chống tài trợ khủng bố (CFT) trên toàn thế giới với việc thông qua 8 khuyến nghị đặc biệt đầu tiên về CFT. Tháng 10/2004, FATF thông qua khuyến nghị đặc biệt thứ 9 liên quan đến người chuyển phát nhanh tiền mặt.
Giống như 40 khuyến nghị về chống rửa tiền, 9 khuyến nghị đặc biệt này không đơn giản chỉ là những đề nghị mà là mệnh lệnh hành động đối với mỗi nước, không chỉ các nước thành viên của FATF, nếu nước đó muốn được coi là nước tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chống tài trợ khủng bố.
Hơn nữa, FATF cũng yêu cầu tất cả các nước phải áp dụng 9 khuyến nghị đặc biệt và tham gia vào việc tự đánh giá. Việc thực hiện 9 khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố và 40 khuyến nghị về chống rửa tiền sẽ tạo khuôn khổ cơ bản cho việc phát hiện, ngăn ngừa và chống tài trợ cho khủng bố.
Chức năng của FATF
Ngay sau đợt rà soát giữa nhiệm kì vào năm 2007 và hội nghị cấp Bộ trưởng tổ chức tại thủ đô Washington (tháng 4/2008), chức năng, nhiệm vụ của FATF đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển mới của hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Theo đó, bốn chức năng chủ yếu của FATF là:
(1) Theo dõi tiến độ thực hiện các biện pháp chống rửa tiền của các thành viên;
(2) Tổng kết và báo cáo về xu hướng, thủ đoạn rửa tiền và các biện pháp chống rửa tiền;
(3) Thúc đẩy việc chấp thuận và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị và tiêu chuẩn của FATF về chống rửa tiền trên toàn cầu;
(4) Thu hút các tổ chức có liên quan và các thành viên trên khắp thế giới tham gia chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Cơ cấu hoạt động của FATF
FATF hoạt động theo chế độ chủ tịch luân phiên hàng năm. Đứng đầu FATF là Chủ tịch và 1 Phó chủ tịch. Mỗi năm, FATF bầu ra 1 Phó chủ tịch mới, và vị Phó chủ tịch này sẽ trở thành chủ tịch của FATF trong năm kế tiếp. Chủ tịch FATF thứ 21 (nhiệm kì 2009 - 2010) là ngài Paul Vlaanderen, người Hà Lan, ông đã giữ chức Phó chủ tịch của FATF nhiệm kì 2008-2009. Từ tháng 7/2010, Chủ tịch của FATF nhiệm kì 2010 - 2011 là ngài Luis Urrutia Corral, người Mexico.
Ban chỉ đạo của FATF bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và một số quan chức cấp cao do toàn thể đại biểu bổ nhiệm. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch trong việc điều hành hoạt động của FATF. Ban chỉ đạo nhiệm kì 2009-2010 gồm 6 thành viên đại diện cho 6 quốc gia: Brasil, Italy, Mexico, Hà Lan, Anh và Mỹ. Giúp việc Ban chỉ đạo FATF có hội đồng thành viên, Ban thư kí và 4 nhóm công tác.
Hội đồng thành viên của FATF có nhiệm vụ giám sát hoạt động của 4 nhóm công tác trong từng lĩnh vực cụ thể từ việc phát hiện những mối đe dọa mới đến việc đánh giá quá trình thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố tại mỗi quốc gia thành viên, gồm:
(1) Nhóm nghiên cứu về các thủ đoạn rửa tiền (Working Group on Typologies);
(2) Nhóm nghiên cứu về hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố (Working Group on Terrorist Financing and Money Laundering);
(3) Nhóm đánh giá việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố (Working Group on Evaluations and Implementation);
(4) Nhóm rà soát các vấn đề hợp tác quốc tế (International Co-operation Review Group - ICRG)
Ban thư kí của FATF có nhiệm vụ phối hợp và tham mưu giúp Ban chỉ đạo trong việc điều hành hoạt động của FATF trong việc chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Ban thư kí bao gồm những chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, thực thi pháp luật và ban hành qui chế; cũng như nhân viên giúp việc. Trụ sở chính của Ban thư kí đặt tại trụ sở của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Paris, Pháp. Tuy nhiên, Ban thư kí của FATF là tổ chức độc lập với OECD.
(Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam)