Du lịch trực tuyến (Online tourism) là gì? Cơ hội và thách thức
Mục Lục
Du lịch trực tuyến
Khái niệm
Du lịch trực tuyến hay du lịch điện tử trong tiếng Anh được gọi là Online tourism hay E-tourism.
Du lịch trực tuyến là việc sử dụng công nghệ số trong tất cả các qui trình và chuỗi giá trị trong du lịch, bao gồm lữ hành, khách sạn và phục vụ ăn uống, vận chuyển... để các đơn vị, tổ chức du lịch phát huy tối đa hiệu suất và hiệu quả hoạt động. (Buhalis, 2003)
Khái niệm về du lịch trực tuyến là một hình thái du lịch có tính tương tác mạnh mẽ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng và khách hàng với khách hàng, dựa trên phạm vi kĩ thuật số và nền tảng công nghệ là trang web du lịch.
Những tác động tích cực
Hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chủ động tham gia vào các Website du lịch OTAs nước ngoài như agoda.com, booking.com, expedia.com...
Nhiều công ty lữ hành lớn giới thiệu một số lượng lớn các sản phẩm phong phú kèm thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, dịch vụ trên trang web của họ.
Như vậy, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chủ yếu là vừa và nhỏ, có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các đơn vị kinh doanh vận chuyển khác như Grab, các hãng hàng không ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các tiện ích trực tuyến như đặt chỗ, đặt chuyến, đổi, xuất vé và thanh toán.
Theo báo cáo đánh giá của Euromonitor International: tỉ lệ thanh toán vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 18,3% năm 2010, tăng lên 22,6% năm 2016 và ước đạt 29% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch đã chú ý đến nhân sự công nghệ thông tin, đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn có trung tâm tin học để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp mình.
Những tác động tiêu cực
Tuy nhiên, xu thế du lịch trực tuyến đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp không thay đổi phương thức quản lí dựa vào công nghệ thông tin, phương thức thủ công trong giới thiệu và bán sản phẩm, hoặc các điểm tham quan du lịch ở Việt Nam hầu như chưa áp dụng thương mại điện tử.
Hoặc đa số các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa ứng dụng thành công phương thức thanh toán trực tuyến mà vẫn áp dụng các biện pháp thanh toán thông thường như chuyển khoản, thanh toán bằng tiền mặt...
Như vậy, các đơn vị này hầu như không thể cạnh tranh được trong tình hình mới.
Nếu các doanh nghiệp không đủ kinh phí để đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, như hệ thống mạng nội bộ như LAN, WAN, Intranet, hoặc áp dụng thiếu chuyên nghiệp trong marketing trực tuyến, như trang web nghèo nàn, không có tính tương tác với khách hàng, thân thiện với điện thoại thông minh.
Hoặc gia tăng hiệu quả công cụ tìm kiếm SEO, SMO thì cũng gây ra hình ảnh tiêu cực cho doanh nghiệp, phản tác dụng.
Thách thức không nhỏ đối với các loại hình vận chuyển du lịch bằng thuyền, tàu hỏa, xe khách... vè việc áp dụng đặt dịch vụ và thanh toán trực tuyến để nâng cao khả năng thu hút khách hàng.
(Tài liệu tham khảo: Sự bùng nổ của du lịch trực tuyến và những tác động tới phát triển Du lịch Việt Nam, Thư viện Thành phố Cần Thơ)