Luật Tôn giáo (Religious Law) là gì? Ảnh hưởng của luật Tôn giáo đến kinh tế
Mục Lục
Luật Tôn giáo
Luật Tôn giáo (hay luật Thần quyền) trong tiếng Anh là Religious Law.
Luật Tôn giáo là một hệ thống pháp lí bị ảnh hưởng rõ rệt của tôn giáo, nguyên tắc đạo lí và các giá trị đạo đức được xem như là một hiện thân tối cao. Hệ thống luật Tôn giáo quan trọng nhất được dựa trên các đạo luật của Ấn Độ giáo, Do Thái và Hồi giáo.
Trong số đó, phổ biến nhất là luật Hồi giáo, phổ biến ở Trung Đông, Bắc Phi và Indonesia. Pháp luật Hồi giáo có nguồn gốc từ những qui định của kinh Koran, Kinh thánh của người Hồi giáo và lời dạy của nhà Tiên tri Mohammed. Còn được biết đến với tên gọi Shariah, luật Hồi giáo không phân biệt giữa tôn giáo và hiến pháp.
Đặc điểm của luật Hồi giáo
Luật Hồi giáo đưa ra các tiêu chí về các hành vi liên quan đến chính trị, kinh tế, ngân hàng, hợp đồng, hôn nhân và các vấn đề xã hội khác. Luật Hồi giáo điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người, giữa người dân và nhà nước, và giữa con người và đấng tối cao. Được xem như lời dạy của đấng Tối cao, luật Hồi giáo mang tính tuyệt đối và phát triển rất ít theo thời gian.
Hầu hết các nước Hồi giáo hiện nay đang duy trì một hệ thống kép, nơi tôn giáo và tòa án hiến pháp cùng tồn tại. Các quốc gia khác có đông dân cư Hồi giáo như Indonesia, Bangladesh và Pakistan, hiện nay đã có hiến pháp thế tục và các đạo luật. Thổ Nhĩ Kì, một quốc gia khác với số lượng lớn dân cư Hồi giáo đã có hiến pháp thế tục vững chắc. Arab Saudi và Iran là các nước mà ở đó các tòa án tôn giáo có thẩm quyền trên cả luật pháp.
Ảnh hưởng của luật Tôn giáo đến kinh tế
Quan điểm truyền thống của luật Tôn giáo phản đối mọi sự tự do và hiện đại hóa tại các nước theo đạo Hồi. Ví dụ như, qui định nghiêm khắc của luật Hồi giáo nghiêm cấm cho và nhận lãi suất vay hay đầu tư. Như vậy, để tuân theo luật Hồi giáo, các ngân hàng không thể cho vay lấy lãi như thông lệ mà phải thu lợi nhuận bằng cách tính lệ phí hành chính hoặc mức lợi nhuận hợp lí trong các dự án tài chính mà họ cấp vốn.
Nhiều ngân hàng phương Tây, như Citibank, JP và Ngân hàng Deutsche, có các chi nhánh ở các nước Hồi giáo phải tuân thủ luật Shariah. Các quốc gia Hồi giáo như Malaysia đã ban hành trái phiếu Hồi giáo (Sukuk) cho hưởng lợi tức từ tài sản, ví dụ như tài sản cho thuê, thay vì trả lãi suất.
(Theo Giáo trình Kinh doanh quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống kê)