Liên Hợp Quốc (United Nations) là gì? Đặc điểm của Liên Hợp Quốc
Mục Lục
Liên Hợp Quốc (United Nations)
Liên Hợp Quốc trong tiếng Anh là United Nations; viết tắt là UN.
Liên Hợp Quốc (United Nations) là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, đạt được sự hợp tác quốc tế và là một trung tâm để hài hòa các hành động của các quốc gia.
Sự ra đời của Liên Hợp Quốc
Liên Hợp Quốc chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương Liên Hợp Quốc được Trung quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa kỳ và đa số các quốc gia kí trước đó phê chuẩn. Tên gọi "Liên Hợp Quốc" đã được Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt sáng lập ra và được sử dụng lần đầu tiên trong "Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc" vào ngày 1/1/1942, trong đó 26 quốc gia đã khẳng định cam kết tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại các nước thuộc phe phát xít.
Đặc điểm của Liên Hợp Quốc
Đặc điểm bao trùm của Liên Hợp Quốc là tổ chức này không phải là một nhà nước siêu quốc gia. Liên Hợp Quốc là tổ chức đa phương toàn cầu đầu tiên có những hoạt động thực chất và đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp và điều tiết các mối quan hệ giữa các quốc gia độc lập có chủ quyền trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia.
Một đặc điểm nổi bật khác của Liên Hợp Quốc là tổ chức này phản ánh sự dàn xếp và cân bằng quyền lực giữa các cường quốc thắng trận. Thực tế này được thể hiện trong cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - cơ quan chấp hành có thực quyền nhất của Liên Hợp Quốc và đảm nhiệm trách nhiệm hàng đầu của Liên Hợp Quốc là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Chức năng và quyền hạn
- Xem xét và kiến nghị về các nguyên tắc hợp tác trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, kể cả những nguyên tắc liên quan đến giải trừ quân bị và các qui định về quân bị;
- Bàn bạc về các vấn đề liên quan tới hoà bình và an ninh quốc tế, trừ trường hợp tình hình hoặc tranh chấp hiện đang được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, và đưa ra các khuyến nghị về các vấn đề đó;
- Bàn bạc và khuyến nghị về các vấn đề theo qui định của Hiến chương có tác động đến chức năng, quyền hạn của các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc;
- Nghiên cứu và khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác chính trị quốc tế, phát triển và pháp điển hoá luật pháp quốc tế; thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người, và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục và y tế;
- Khuyến nghị các giải pháp hoà bình cho mọi tình huống có thể làm phương hại quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc;
- Nhận và xem xét các báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác thuộc Liên Hợp Quốc;
- Xem xét, thông qua ngân sách Liên Hợp Quốc và phân bổ đóng góp của các nước thành viên;
- Bầu các thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội, các thành viên được bầu vào Hội đồng Quản thác, cùng Hội đồng Bảo an bầu các thẩm phán Toà án quốc tế, và bầu Tổng thư kí Liên Hợp Quốc (nhiệm kì 5 năm) theo khuyến nghị của Hội đồng Bảo an.
(Tài liệu tham khảo: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)