Hiệu ứng đồng bảo hiểm (Co-insurance Effect) trong sáp nhập và mua lại là gì?
Mục Lục
Hiệu ứng đồng bảo hiểm
Hiệu ứng đồng bảo hiểm trong tiếng Anh là Co-insurance Effect.
Hiệu ứng đồng bảo hiểm là một lí thuyết kinh tế cho rằng việc sáp nhập và mua lại (M&A) giúp làm giảm rủi ro liên quan đến việc nắm giữ nợ trong các công ty sau khi đã hoàn tất quá trình sáp nhập, hợp nhất hay mua lại. Theo lí thuyết này, sự gia tăng tính đa dạng hóa do hoạt động M&A được trông đợi sẽ làm giảm chi phí vay của các công ty.
Hiệu ứng đồng bảo hiểm cho rằng các công ty tham gia vào M&A sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng tính đa dạng hóa đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm hoặc cơ sở khách hàng.
Ngay cả khi công ty mua lại phải nhận nghĩa vụ nợ từ công ty bị mua lại, theo lí thuyết, sức mạnh tài chính thu được sau khi kết thúc quá trình mua lại sẽ tự bảo vệ bản thân nó khỏi rủi ro vỡ nợ tốt hơn so với lúc trước khi thực hiện mua lại.
Do đó, hiệu ứng đồng bảo hiểm cho thấy các công ty sẽ được hưởng lợi từ hiện tượng cộng hưởng tài chính từ M&A.
Rủi ro vỡ nợ giảm sẽ giúp giảm lợi suất mà các nhà đầu tư yêu cầu từ trái phiếu của công ty. Lợi suất trái phiếu tăng hoặc giảm dựa trên mức rủi ro vỡ nợ mà các trái chủ phải chiu khi tài trợ cho một khoản nợ của công ty.
Vì công ty sau M&A trở nên an toàn hơn về mặt tài chính nên có thể giảm chi phí phát hành nợ mới, khiến cho việc huy động thêm tiền trở nên rẻ hơn. Mặt khác, lợi suất thấp hơn có thể khiến cho một đợt phát hànhtrở nên kém hấp dẫn hơn đối với các trái chủ, những người tìm kiếm tỷ lệ lợi nhuận cao hơn để bù đắp rủi ro.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về M&A cho thấy rằng trong một số trường hợp, các nhà đầu tư có thể có cái nhìn hoài nghi hơn về sự đa dạng hóa. Những sự kiện này có thể bao gồm lo lắng về công đoàn, lo lắng về các phong cách quản lí khác nhau của các công ty; và sự thiếu minh bạch trong quá trình M&A.
Trong những trường hợp này, giá cổ phiếu có thể giảm, mặc dù doanh thu của công ty sau sáp nhập tăng. Một số nhà kinh tế tin rằng hiệu ứng này thậm chí có thể giảm hoặc loại bỏ hiệu ứng đồng bảo hiểm trong một số trường hợp.
Ví dụ về hiệu ứng đồng bảo hiểm
Giả sử công ty A chuyên cho thuê bất động sản để mở văn phòng; và sở hữu nhiều tòa nhà tập trung ở một khu vực đô thị cụ thể. Doanh thu từ việc cho thuê sẽ phải chịu rủi ro khi khu vực đó xảy ra suy thoái kinh tế.
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp lớn trong khu vực mà bị phá sản hoặc phải chuyển đến hoạt động ở một khu vực khác, thì có thể gây ảnh hưởng đến phần lớn cửa hàng địa phương, nhà hàng và các công ty khác trong khu vực; thậm chí đủ mạnh để giảm lợi nhuận chung của khu vực và thậm chí có thể buộc một số doanh nghiệp phải đóng cửa.
Một khu vực thương mại kém sôi động sẽ tác động tiêu cực đến công ty A do có ít công ty có nhu cầu mở văn phòng hơn; và do đó công ty A sẽ có nhiều tòa nhà hoặc phòng trống không cho thuê được. Điều này đồng nghĩa với doanh thu thấp hơn, vì vậy rủi ro vỡ nợ của công ty A sẽ tăng lên.
Giờ giả sử rằng công ty A mua lại một công ty B cũng cho thuê bất động sản tại một khu vực khác. Xác suất cả hai khu vực gặp phải suy thoái kinh tế bất ngờ cùng một lúc thấp hơn xác suất mà từng công ty gặp phải rắc rối.
Khả năng cao hơn là doanh thu từ một trong hai khu vực có thể giữ cho công ty A tiếp tục duy trì hoạt động nếu khu vực còn lại gặp khó khăn. Việc giảm rủi ro đó giúp công ty A có khả năng phát hành nợ với mức lãi suất thấp so với lúc trước khi thực hiện vụ mua lại.
(Tham khảo: Co-insurance Effect, investopedia)