Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA) là tổ chức nào?
Mục Lục
Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế (International Federation of Freight Forwarders Associations - FIATA)
Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ International Federation of Freight Forwarders Associations, viết tắt là FIATA.
Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế hay còn gọi là FIATA, là tổ chức lớn nhất thế giới trong lĩnh vực giao nhận vận tải. FIATA được thành lập năm 1926, bao gồm các thành viên chính thức là những hiệp hội quốc gia những người giao nhận và thành viên cộng tác là những hãng giao nhận tư nhân trên thế giới. (Theo International Federation of Freight Forwarders Associations - FIATA)
FIATA là tổ chức phi chính trị tự nguyện hiện đang đại diện cho 35.000 người giao nhận ở trên 130 quốc gia. Các cơ quan liên hiệp quốc tế như ECOSOC, UNCTAD, ECE VÀ ESCAP đã công nhận địa vị pháp lí toàn cầu của FIATA. Đối với tất cả các tổ chức trên, FIATA được hưởng qui chế tư vấn.
Nội dung hoạt động của FIATA
FIATA được thừa nhận bởi các tổ chức quốc tế có liên quan đến thương mại và vận tải như Phòng Thương mại Quốc tế ICC, tổ chức vận tải hàng không quốc tế IATA cũng như những tổ chức của người vận chuyển và người gửi hàng.
Mục tiêu chính của FIATA là bảo vệ và phát huy lợi ích của người giao nhận, nghiên cứu cải tiến các biện pháp, trình tự, thủ tục giao nhận nhằm nâng cao hiệu quả của dịch vụ giao nhận, đào tạo nghiệp vụ ở trình độ quốc tế, tăng cường các quan hệ phối hợp giữa các tổ chức giao nhận với chủ hàng và người chuyên chở.
Trong cơ cấu của FIATA Viện Vận chuyển hàng không. Cơ quan này chuyên giải quyết những vấn đề về cước hàng không nhằm bảo vệ lợi ích chung của các đại lí hàng không. FIATA và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế cùng những tổ chức quốc tế khác liên quan đến công nghệ chuyên chở hàng không có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Hoạt động của FIATA còn được thông qua nhiều tiểu ban bao gồm:
- Tiểu ban về các quan hệ xã hội;
- Tiểu ban nghiên cứu về kĩ thuật vận tải đường bộ, đường không, đường sắt,...;
- Tiểu ban về luật pháp, chứng từ và bảo hiểm;
- Tiểu ban về đào tạo nghề nghiệp;
- Tiểu ban về hải quan;
- Ủy ban đơn giản hóa thủ tục buôn bán;
- Ủy ban về vận tải đường biển và vận tải đa phương thức;...
Hiện nay, nhiều công ty giao nhận của Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của FIATA. (Theo Giáo trình Luật Thương mại Quốc tế, NXB Lao động Xã hội)