Lí thuyết trao đổi xã hội (Social exchange theory) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết trao đổi xã hội
Lí thuyết trao đổi xã hội trong tiếng Anh gọi là: Social exchange theory.
Lí thuyết trao đổi xã hội là những tương tác xã hội trong đó các cá nhân tin rằng họ sẽ có được những lợi ích nhất định từ các hành vi trao đổi (Blau, 1964).
Theo lí thuyết trao đổi xã hội, sự cam kết trong doanh nghiệp hình thành khi các nhân viên cảm nhận được những tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp, ví dụ như sự ủng hộ về mặt xã hội, sự công bằng trong hệ thống khen thưởng, sự công tâm trong các mối quan hệ công việc (Colquitt và cộng sự, 2013).
(Theo: Vai trò chi phối của sự công tâm của kiểm soát nội bộ trong vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ, Nguyễn Phong Nguyên, Tạp chí Công thương, 2020)
Mục đích của thuyết trao đổi xã hội của P. Blau là lí giải và thấu hiểu các cấu trúc xã hội trên cơ sở phân tích các quá trình xã hội điều tiết các quan hệ giữa con người cũng như các nhóm xã hội với nhau.
Câu hỏi nghiên cứu cơ bản mà P. Blau đặt ra cho công trình nghiên cứu thuyết trao đổi xã hội là đời sống xã hội được tổ chức trong cấu trúc của các liên kết xã hội ngày càng trở nên phức tạp như thế nào.
Để đạt tới múc đích đó, trước tiên phải nghiên cứu những tương tác xã hội trực tiếp giữa các cá nhân trong các nhóm xã hội vi mô, trên cơ sở đó xây dựng nền móng cho nghiên cứu xã hội ở cấp độ vĩ mô, tức nghiên cứu mối quan hệ xã hội diễn ra trong và giữa các nhóm xã hội rộng lớn.
P. Blau cho rằng cần nghiên cứu tương tác mặt đối mặt để xây dựng cơ sở nhận thức cấu trúc xã hội cũng như là cơ sở để tạo ra các quan hệ xã hội để từ đó hình thành cấu trúc xã hội.
Quá trình tương tác xã hội là quá trình trao đổi giữa các cá nhân cũng như các nhóm xã hội để xây dựng các quan hệ xã hội với tư cách là rường cột của các cấu trúc xã hội. Sự biến đổi cấu trúc xã hội cũng do biến đổi các quan hệ xã hội và hệ quả của nó là biến đổi xã hội.
Theo P. Blau quá trình trao đổi xã hội dẫn tới viến đổi xã hội diễn ra theo bốn bước: Bước 1, sự chuyển giao trao đổi giữa các cá nhân; Bước 2, sự phân hóa vị thế và quyền lực; Bước 3, sự hợp pháp hóa và tổ chức, gieo hạt giống cho biến đổi; Bước 4, sự đối lập và biến đổi.
(Tài liệu tham khảo: Thuyết trao đổi xã hội và quyền lực của Peter Blau và văn hóa quản lí, Vũ Quang Hào, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, 2014)