Lí thuyết tìm kiếm (Search Theory) là gì? Lí thuyết tìm kiếm và thời gian tìm kiếm tối ưu
Mục Lục
Lí thuyết tìm kiếm
Lí thuyết tìm kiếm trong tiếng Anh là Search Theory.
Lí thuyết tìm kiếm nghiên cứu về "ma sát" trong giao dịch giữa hai bên khiến họ không thể tìm thấy giải pháp phù hợp ngay lập tức.
Lí thuyết tìm kiếm chủ yếu được sử dụng để giải thích sự thiếu hiệu quả trong thị trường việc làm, nhưng nó cũng có khả năng áp dụng rộng rãi cho bất kì hình thức "người mua" và "người bán" nào, cho dù là sản phẩm, nhà ở, hoặc thậm chí là vợ, chồng hay người yêu.
Theo mô hình cân bằng cạnh tranh cổ điển, người mua và người bán có thể giao dịch trong một thế giới mà thông tin đầy đủ và cởi mở; cân bằng giá trong thị trường được đáp ứng ngay lập tức vì các lực lượng cung và cầu phản ứng tự do.
Tuy nhiên điều này không xảy ra trong thế giới thực. Lí thuyết tìm kiếm cố gắng giải thích giải thích nguyên nhân của hiện tượng này.
Trong thế giới thực, thông tin là không hoàn hảo và tốn kém, các giao dịch được thực hiện với số lượng hàng hóa và dịch vụ riêng rẽ và không liên tục, người mua và người bán có thể bị tách biệt do giới hạn không gian hoặc bởi các rào cản khác.
Nói cách khác, các bên muốn giao dịch trong kinh doanh, một người sử dụng lao động và người tìm việc, hoặc một người bán hàng tốt và một người mua khác gặp phải những "ma sát" khi tìm kiếm lẫn nhau, có thể ở dưới dạng cách biệt địa lí, kì vọng về giá, yêu cầu kĩ thuật đặc biệt hoặc chậm trễ trong thời gian phản hồi và đàm phán.
Ngoài ra chính sách của chính phủ hoặc doanh nghiệp có thể gây cản trở thêm vào quá trình tìm kiếm.
Trong lí thuyết tìm kiếm, người mua hoặc người bán phải đối mặt với một loạt các lựa chọn thay thế có chất lượng và giá cả khác nhau, và phải đưa ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối, cũng như một nhóm các ưu tiên và kì vọng; tất cả đều có thể thay đổi theo thời gian.
Thời gian tìm kiếm tối ưu
Lí thuyết tìm kiếm mô tả lượng thời gian tối ưu mà người tìm kiếm sẽ dành cho quá trình tìm kiếm trước khi chấp nhận một phương án giải quyết. Thời gian tìm kiếm sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố:
Giá bán tối thiểu và giá mua tối đa
Thời gian tìm kiếm phụ thuộc vào mức giá tối thiểu mà người bán sẵn sàng chấp nhận và người mua sẵn sàng trả. Ví dụ: người mua có ngân sách cố định 5.000 USD tiền mặt để mua xe hơi sẽ tìm kiếm đủ lâu để tìm một chiếc xe có chất lượng phù hợp với giá dưới 5.000 USD.
Chi phí tìm kiếm
Nếu thời gian tìm kiếm càng lâu kéo theo một vài loại chi phí càng tăng, thì thời gian tìm kiếm tối ưu có xu hướng được rút ngắn. Ví dụ, nếu các kĩ năng của một công nhân có thể suy giảm hoặc trở nên lỗi thời theo thời gian, thì họ sẽ có xu hướng rút ngắn thời gian tìm kiếm công việc mới.
Dao động giá cả
Sự dao động về giá và chất lượng của các lựa chọn cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian tìm kiếm tối ưu. Dao động càng lớn càng khiến một người tìm kiếm lâu hơn với hi vọng có thể tìm được một lựa chọ thay thế vượt trội.
Mức ngại rủi ro
Mức ngại rủi ro cũng có thể gây ảnh hưởng lớn lên thời gian tìm kiếm. Ví dụ: Kéo dài thời gian tìm kiếm công việc thường đồng nghĩa với việc người tìm kiếm phải sử dụng khoản tiền tiết kiệm và đối mặt với nguy cơ trở nên túng thiếu. Một người tìm kiếm không thích rủi ro sẽ có xu hướng rút ngắn tìm kiếm của họ vì lí do này.
(Theo investopedia)