Chủ nghĩa hiện thực (Realism) là gì?
Mục Lục
Chủ nghĩa hiện thực
Chủ nghĩa hiện thực trong tiếng Anh là realism.
Chủ nghĩa hiện thực, bên cạnh chủ nghĩa tự do, là một trong hai trường phái lí thuyết quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế, được hình thành từ lâu đời và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tư duy hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia.
Các giả định về chủ nghĩa hiện thực
Mặc dù có nhiều phân nhánh khác nhau, nhìn chung các nhà hiện thực chia sẻ các giả định chủ yếu sau:
Chủ thể chính trong hệ thống quốc tế là các quốc gia - dân tộc có chủ quyền trong khi các chủ thể khác như các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, các nhóm hay các cá nhân không có vai trò đáng kể. Về bản chất, hệ thống quan hệ quốc tế là một hệ thống vô chính phủ, không tồn tại một quyền lực đứng trên các quốc gia nhằm điều chỉnh và quản lí mối quan hệ giữa họ với nhau.
Chính vì vậy mục tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt.
Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau (trong nhiều trường hợp dưới hình thức chiến tranh, xung đột vũ trang) nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia dưới dạng quyền lực, khiến cho các quốc gia không thể duy trì việc hợp tác một cách lâu dài. Có thể thấy đa phần các giả định này đều trái ngược với các giả định của chủ nghĩa tự do.
Quyền lực trong góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực không chỉ là phương tiện để các quốc gia đạt đến các mục tiêu của mình, mà tự nó cũng chính là một mục tiêu, thông qua hai giả định.
Thứ nhất, quyền lực là động lực cho các chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Câu hỏi tại sao quốc gia lựa chọn chính sách A hay chính sách B, chỉ có thể được giải thích bằng lăng kính quyền lực. Morgenthaus trả lời bằng một câu được xem như nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực: "Chính trị thế giới, giống như tất cả hình thái chính trị khác, là cuộc chiến để đạt quyền lực. Mục đích cuối cùng của chính trị quốc tế, dù nằm ở đâu cũng là quyền lực".
Thứ hai, quyền lực được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng và thay đổi hành vi của các quốc gia hay tổ chức khác theo lợi ích của mình. Nói một cách khác, cuộc chiến giành quyền lực có thể hiểu là cuộc chiến nhằm giành khả năng gây ảnh hưởng đối với hành vi và suy nghĩ của các quốc gia khác.
Theo Morgenthaus, đây là một đặc tính bất biến của chính trị quốc tế. Trong một thế giới vô chính phủ, mục tiêu của mỗi quốc gia là trang bị cho mình càng nhiều quyền lực càng tốt để đảm bảo an ninh và sinh tồn. Tuy nhiên cuộc chạy đua tranh giành quyền lực dẫn tới việc các quốc gia đối mặt với một "thế lưỡng nan về an ninh".
Theo đó, khi một quốc gia càng tìm cách nâng cao quyền lực của mình thì càng làm cho các quốc gia khác bất an, buộc các quốc gia thường xuyên phải chạy đua nâng cao quyền lực của mình nhằm đảm bảo an ninh của mình không bị đe dọa.
Kể từ khi ra đời, chủ nghĩa hiện thực đã có các bước phát triển với nhiều bổ sung khác nhau. Hiện nay, chủ nghĩa hiện thực được chia làm hai phân nhánh chính, đó là chủ nghĩa hiện thực cổ điển (classical realism) và chủ nghĩa tân hiện thực (neo-realism), hay còn gọi là chủ nghĩa hiện thực cấu trúc (structural realism).
(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)