Tín hiệu bán (Sell Signal) là gì? Đặc trưng của tín hiệu bán
Mục Lục
Tín hiệu bán (Sell Signal)
Tín hiệu bán trong tiếng Anh là Sell Signal.
Tín hiệu bán là điều kiện mà tại đó nhà đầu tư được cảnh báo về việc bán một khoản đầu tư cụ thể.
Hiểu theo cách đơn giản, tín hiệu bán là bất cứ thứ gì cảnh báo nhà đầu tư về việc bán một tài sản.
Tín hiệu bán thường dựa trên các phân tích cơ bản hoặc kĩ thuật, sử dụng một số công cụ như chỉ báo kĩ thuật, sự thay đổi cơ bản của tài sản hoặc trailing stop-loss (tạm dịch: cắt lỗ di động).
Tín hiệu bán có thể tự động đóng giao dịch, như đối với trường hợp lệnh dừng lỗ (stop-loss order) hoặc nhà đầu tư/ nhà giao dịch cần phải đóng vị thế một cách thủ công sau khi nhận được tín hiệu bán từ các chiến lược hoặc công cụ phân tích.
Đặc trưng của tín hiệu bán
- Tín hiệu bán có thể được tạo ra từ nhiều phương pháp báo hiệu. Chúng được sử dụng bởi tất cả các nhà đầu tư và nhà giao dịch, từ những nhà giao dịch hàng ngày đến nhà đầu tư dài hạn.
- Các nhà phân tích cơ bản nhận ra tín hiệu bán khi giá trị cơ bản của chứng khoán đạt đến một mức nhất định. Tín hiệu bán có thể dựa trên các nguyên tắc cơ bản như giá cổ phiếu đã đạt đến mức cao trong lịch sử, hoặc chúng đang bắt đầu giảm.
- Các nhà phân tích kĩ thuật sẽ sử dụng các kĩ thuật biểu đồ để tạo tín hiệu bán dựa trên các mẫu hình và chỉ báo kĩ thuật. Chẳng hạn như, nếu giá tài sản giảm xuống dưới mức hỗ trợ, nhà giao dịch kĩ thuật có thể xem đó là tín hiệu bán.
- Bên cạnh đó, nếu giá tài sản giảm xuống dưới một mức nhất định trên một chỉ báo kĩ thuật, vào vùng quá mua và bắt đầu giảm hoặc cắt xuống dưới đường trung bình trượt, tất cả đều có thể được sử dụng làm tín hiệu bán tiềm năng.
- Các nhà đầu tư khác có thể chỉ ngồi theo dõi thị trường, họ cho rằng một đợt bán tháo với khối lượng lớn chính là tín hiệu bán.
Ví dụ
Giả sử một nhà giao dịch dựa trên đường trung bình trượt hay còn gọi là đường trung bình động (MA) 100 ngày. Họ thích mua khi một cổ phiếu tăng giá chạm vào MA 100 ngày nhưng không giảm hơn một vài phần trăm dưới nó.
Dưới đây là một ví dụ về cách các qui tắc này có thể đã được áp dụng trong cổ phiếu Apple.
Khi giá bắt đầu xu hướng tăng, nó kiểm tra đường trung bình trượt 100 ngày và nhanh chóng tăng lên ngay sau đó, điều này tạo ra tín hiệu mua.
Trong hai thử nghiệm tiếp theo, giá giảm nhẹ xuống dưới đường MA, nhưng chưa quá 4%. Điều này có nghĩa là giá giảm nhưng chưa đủ để tạo ra tín hiệu bán. Nhà giao dịch có thể duy trì vị thế của họ hoặc mua thêm cổ phiếu tại các thời điểm này.
Trong thử nghiệm tiếp theo, giá giảm xuống dưới đường MA hơn 4%, điều này tạo ra tín hiệu bán và nhà giao dịch thoát khỏi vị thế của họ.
(Tài liệu tham khảo: Investopedia)