Lí thuyết tiền lương hiệu quả (Efficiency Wage Theory) là gì? Các dạng lí thuyết
Mục Lục
Lí thuyết tiền lương hiệu quả
Lí thuyết tiền lương hiệu quả trong tiếng Anh được gọi là efficiency wage theory.
Lí thuyết này cho rằng, doanh nghiệp sẽ hoạt động có hiệu quả hơn nếu trả tiền lương cao hơn mức cân bằng thị trường vì doanh nghiệp có thể có lợi nếu giữ tiền lương ở mức cao ngay cả khi có tình trạng dư cung về lao động.
Vì sao doanh nghiệp lại sẵn sàng trả tiền lương hơn mức cân bằng. Trên một phương diện nào đó, quyết định này dường như không hợp lí vì tiền lương là một bộ phận lớn trong chi phí của đa số các doanh nghiệp.
Thông thường, chúng ta dự kiến rằng doanh nghiệp có động cơ tối đa hóa lợi nhuận sẽ muốn giữ cho chi phí và do đó tiền lương càng thấp càng tốt. Triết lí của lí thuyết tiền lương hiệu quả là doanh nghiệp có thể được lợi khi trả lương cao vì tiền lương cao có thể làm tăng hiệu quả làm việc của công nhân trong doanh nghiệp.
Các dạng lí thuyết
Có nhiều dạng lí thuyết tiền lương hiệu quả. Mỗi một dạng đưa ra một cách giải thích khác nhau về nguyên nhân làm cho doanh nghiệp muốn trả lương cao. Bây giờ chúng ta hãy xem xét bốn dạng chính.
- Sức khoẻ công nhân
Dạng đầu tiên và đơn giản nhất của lí thuyết tiền lương hiệu quả nhấn mạnh đến mối liên kết giữa tiền lương và sức khoẻ của công nhân. Công nhân được trả lương cao hơn sẽ có được chế độ dinh dưỡng tốt hơn nên sẽ khoẻ mạnh hơn và có năng suất lao động cao hơn.
Một doanh nghiệp có thể nhận thấy có lợi hơn khi trả lương cao và có công nhân mạnh khoẻ, năng suất hơn so với trả lương thấp hơn và có công nhân yếu hơn, năng suất kém hơn.
Dạng lí thuyết tiền lương hiệu quả này không phù hợp với thực tế ở những nước giàu. Ở những nước này, tiền lương cân bằng khá cao và trên mức cần thiết để đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng.
Các doanh nghiệp không cho rằng việc trả tiền lương cân bằng sẽ làm tổn hại đến sức khoẻ của công nhân.
Lí thuyết tiền lương hiệu quả thích hợp hơn với các doanh nghiệp ở các nước kém phát triển, nơi chế độ dinh dưỡng không đầy đủ là vấn đề thường thấy hơn. Ví dụ, thất nghiệp cao ở các đô thị của nhiều nước Châu Phi nghèo.
Ở những nước này, các doanh nghiệp thực sự lo ngại rằng biện pháp cắt giảm tiền lương thực ra sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới sức khoẻ và năng suất của công nhân. Nói cách khác, quan tâm đến dinh dưỡng có thể là một lí do để hiểu vì sao các doanh nghiệp không cắt giảm tiền lương mặc dù có dư thừa lao động.
- Sự luân chuyển công nhân
Dạng thứ hai của lí thuyết tiền lương hiệu quả nhấn mạnh đến mối liên kết giữa tiền lương và sự luân chuyển công nhân. Công nhân thôi việc vì nhiều lí do như có việc làm ở doanh nghiệp khác, chuyển tới vùng khác của đất nước, rời khỏi lực lượng lao động...
Tần suất bỏ việc của họ phụ thuộc vào tất cả các kích thích mà họ đối mặt, trong đó có lợi ích của hành động bỏ việc và lợi ích của việc ở lại. Doanh nghiệp trả tiền lương cho công nhân của mình càng cao thì công nhân càng ít bỏ việc.
Trả lương cao là một hình thức giảm bớt sự luân chuyển công nhân. Tại sao doanh nghiệp quan tâm đến sự luân chuyển công nhân? Lí do là doanh nghiệp phải chịu chi phí gắn liền với việc tuyển dụng và đào tạo công nhân mới.
Hơn nữa, ngay cả sau khi được đào tạo, công nhân mới cũng không phải là người có năng suất cao như những công nhân có kinh nghiệm. Do đó, doanh nghiệp có sự luân chuyển công nhân cao hơn sẽ có chi phí sản suất cao hơn. Các doanh nghiệp có thể nhận thấy có lợi hơn khi trả lương cao hơn mức cân bằng để giảm bớt sự luân chuyển công nhân.
- Nỗ lực của công nhân
Dạng thứ ba của lí thuyết tiền lương hiệu quả nhấn mạnh đến mối liên kết giữa tiền lương và nỗ lực của công nhân. Trong nhiều trường hợp, công nhân có quyền tự do nhất định trong việc quyết định làm việc chăm chỉ đến mức nào.
Do vậy, các doanh nghiệp phải giám sát nỗ lực làm việc của công nhân, và những công nhân thiếu trách nhiệm bị phát hiện sẽ bị phạt tiền và thậm chí bị sa thải. Nhưng không phải tất cả công nhân lơ là đều bị phát hiện ngay lập tức vì việc giám sát công nhân lại tốn kém và không hoàn hảo.
Doanh nghiệp có thể phản ứng bằng cách trả tiền lương cao hơn mức cân bằng. Tiền lương cao hơn tạo cho công nhân cố giữ được việc làm và do đó kích thích họ nỗ lực hết sức mình.
Dạng đặc biệt của lí thuyết tiền lương hiệu quả này giống như quan điểm "đội quân thất nghiệp hậu bị" của C. Mác. Mác cho rằng giới chủ được lợi từ thất nghiệp vì sự đe doạ của thất nghiệp góp phần nâng cao kỉ luật đối với công nhân đang làm việc.
Theo dạng này của lí thuyết tiền lương hiệu quả, thất nghiệp đóng vai trò tương tự. Tiền lương ở mức cân bằng thì công nhân ít có lí do để làm việc chăm chỉ vì nếu bị sa thải, họ sẽ nhanh chóng tìm được việc làm mới với cùng mức lương.
Do đó, doanh nghiệp có thể quyết định tăng lương lên cao hơn mức cân bằng và gây ra thất nghiệp, nhưng tạo ra động cơ cho công nhân phải làm việc tích cực.
- Chất lượng công nhân
Dạng thứ tư của lí thuyết tiền lương hiệu quả nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa tiền lương và chất lượng công nhân. Bằng cách trả lương cao, doanh nghiệp thu hút được nhiều công nhân có trình độ cao đến xin việc và vì thế mà có thể lựa chọn được những lao động ưu tú nhất.
(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Thất nghiệp, ĐH Kinh tế Quốc dân)