Lí thuyết thanh khoản về lãi suất (Liquidity Preference Theory of Interest) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết thanh khoản về lãi suất (Liquidity Preference Theory of Interest)
Lí thuyết thanh khoản về lãi suất - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Liquidity Preference Theory of Interest.
Lí thuyết cổ điển về lãi suất nhấn mạnh đến thói quen tiết kiệm của công chúng và nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất. Những yếu tố này thường thay đổi chậm, do vậy, lí thuyết cổ điển về lãi suất được xem là thích hợp cho việc giải thích lãi suất trong dài hạn.
Vào những năm 1930 nhà kinh tế học người Anh, John Maynard Keynes, đã phát triển lí thuyết ngắn hạn về lãi suất, gọi là lí thuyết thanh khoản về lãi suất. Theo lí thuyết này, sự tác động giữa tổng cầu và tổng cung tiền tệ quyết định lãi suất cân bằng trong ngắn hạn. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)
Tổng cầu tiền tệ
Tổng cầu tiền tệ trong nền kinh tế là tổng nhu cầu tiền cho giao dịch, dự phòng và dầu cơ. Vì yếu tố chính quyết định nhu cầu tiền cho giao dịch và dự phòng là thu nhập chứ không phải lãi suất cho nên nhu cầu tiền tệ xem như cố định ở một mức thu nhập quốc dân nào đó.
Tổng cầu tiền tệ trong nền kinh tế
Tổng cầu tiền tệ cho nền kinh tế bao gồm cầu tiền cho giao dịch và dự phòng (OK) và cầu tiền cho đầu cơ (KJ). Tổng cầu tiền tệ cho hoạt động nền kinh tế sẽ là OJ = OK + KJ.
Tổng cung tiền tệ
Trong nền kinh tế hiện đại, cung tiền tệ được kiểm soát và qui định chặt chẽ bởi chính phủ. Vì những quyết định của chính phủ liên quan đến khối tiền tệ và chịu tác động của của vấn đề phúc lợi công cộng, chứ không phụ thuộc vào lãi suất cho nên cung tiền tệ được xem là không co giãn theo lãi suất.
Sự cân bằng lãi suất theo lí thuyết thanh khoản về lãi suất
Theo lí thuyết thanh khoản, lãi suất được quyết định khi cung và cầu tiền tệ bằng nhau. Cầu ở đây là tổng cầu cho cả ba nhu cầu: giao dịch, dự phòng và đầu cơ. Sự cân bằng giữa cung và tổng cầu tiền tệ quyết định lãi suất.
Cũng như lí thuyết cổ điển, lí thuyết thanh khoản về lãi suất vẫn còn những hạn chế nhất định. Lí thuyết thanh khoản chỉ là cách tiếp cận ngắn hạn về sự quyết định lãi suất bởi trong dài hạn lãi suất chịu ảnh hưởng của sự thay đổi mức thu nhập, giá cả và lạm phát. Hơn nữa, không thể có lãi suất cân bằng ổn định nếu không đạt đến mức độ cân bằng về thu nhập, tiết kiệm và đầu tư trong một nền kinh tế. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)