1. Kế toán - Kiểm toán

Chứng từ kiểm toán (Audit documentation) là gì? Phương pháp kiểm toán chứng từ

Mục Lục

Chứng từ kiểm toán (Audit documentation)

Chứng từ kiểm toán trong tiếng Anh là Audit documentation.

Chứng từ kiểm toán là toàn bộ các giấy tờ, tài liệu, thông tin mà kiểm toán viên thu thập được trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Để thực hiện tốt chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời cung cấp kịp thời thông tin cho người quan tâm, kiểm toán viên cần tận dụng mọi nguồn thông tin đã thu thập được để đưa ra nhận xét và đánh giá của mình.

Phân loại

Chứng từ kiểm toán được chia làm 2 loại:

1, Các tài liệu kế toán

- Chứng từ kế toán

- Các bảng kê, bảng tổng hợp chứng từ kế toán

- Các sổ tổng hợp và chi tiết kế toán

- Các báo cáo kế toán

2, Các tài liệu khác

- Tài liệu hạch toán ban đầu (số theo dõi lao động, thiết bị, hợp đồng...)

- Các biên bản xử lí (xử lí tài sản, vốn, vật tư... thừa thiếu, xử lí vi phạm hợp đồng và

vi phạm khác)

- Các đơn từ khiếu tố...

Yêu cầu đối với chứng từ kiểm toán

Với hoạt động kiểm toán, chứng từ kiểm toán vừa là cơ sở xác định nội dung, mục tiêu kiểm toán vừa là minh chứng bằng văn bản các hoạt động.

Để sử dụng vào các khâu công việc kiểm toán từ việc lập kế hoạch đến sử dụng làm bằng chứng và nêu kết luận... chứng từ phải được kiểm tra thông qua hệ thống kiểm soát nội bộ bằng hình thức chọn mẫu, thẩm tra hay phân loại, phân tích.

Chứng từ kiểm toán phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Tính hiện thực của các con số (thông tin đã được lượng hóa)

- Tính hiện hữu: các nghiệp vụ được ghi chép trên sổ sách thực sự xảy ra trên thực tế

- Tính trọn vẹn, đầy đủ: Các nghiệp vụ đã xảy ra cần được ghi chép đầy đủ

- Tính hợp pháp của các biểu mẫu, của trình tự lập và luân chuyển các tài liệu kế toán

- Tính hợp lí của các đối tượng kế toán phù hợp với nội dung của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh

- Tính pháp lí trong việc thực hiện các luật pháp, chuẩn mực và chế độ kế toán tài chính.

Phương pháp kiểm toán chứng từ

Khi ứng dụng phương pháp này các kiểm toán  viên cần thu thập, xử lí các chứng từ kiểm toán. Phân hệ phương pháp kiểm toán chứng từ gồm:

- Kiểm toán cân đối: Phương pháp được xây dựng dựa trên đặc điểm cân đối vốn có của đối tượng kế toán, các kiểm toán viên dựa trên kiến thức kinh nghiệm sẽ kiểm tra tính cân đối, quan hệ cân đối của các đối tượng này.

Ví dụ:

+ Tài sản = Nguồn vốn

+ Số dư cuối kì = Số dư đầu kì + Số phát sinh tăng – Số phát sinh giảm

- Đối chiếu trực tiếp: Là so sánh về cùng 1 chỉ tiêu trên các chứng từ kiểm toán

Ví dụ:

+ Đối chiếu số lượng hàng hóa, giá trị tiền được trình bày trên các liên của cùng 1 hóa đơn bán hàng

+ Đối chiếu số liệu giữa sổ tổng hợp và sổ chi tiết khi cùng phản ánh 1 nghiệp vụ kinh tế

- Đối chiếu logic: Là việc xem xét mức biến động tương ứng về trị số của các chỉ tiêu  có quan hệ kinh tế trực tiếp song có thể có mức biến động khác nhau và có thể theo hướng khác nhau.

Ví dụ:

Khi thấy khoản phải trả người lao động giảm có thể dẫn đến tiền mặt, tiền gửi ngân hàng giảm hoặc các khoản trích theo lương tăng lên đây là những biến động hợp logic. Còn nếu khoản phải trả người lao động giảm mà thành phẩm, hàng hóa giảm theo đây là sự biến động phi logic.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình kiểm toán căn bản, HV Công nghệ bưu chính viễn thông)

Thuật ngữ khác