Lí thuyết quan hệ quốc tế (International relations theories) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết quan hệ quốc tế (International relations theories)
Lí thuyết quan hệ quốc tế trong tiếng Anh là International relations theories. Lí thuyết quan hệ quốc tế là một tập hợp các góc nhìn, cách tiếp cận, mô hình, cũng như những cách lí giải về các hiện tượng diễn ra trong nền chính trị thế giới.
Đặc trưng
- Chia sẻ những đặc tính một lí thuyết khoa học phải có, các học giả của bộ môn quan hệ quốc tế đề cập đến ba phạm trù chính khi bàn về Lí thuyết quan hệ quốc tế. Một là bản thể luận (ontology), hai là nhận thức luận (epistemology), ba là phương pháp luận (methodology).
- Trong khi bản thể luận bàn về những gì trong thế giới khách quan mà con người có thể nhận thức được (thế giới quan), nhận thức luận tập trung vào phương thức mà con người nhận thức thế giới, hay nói cách khác là phương thức mà qua đó tri thức được tạo ra. Còn phương pháp luận đề cập đến các phương thức tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng độ đúng sai của lí thuyết đó.
Ví dụ
Cuộc tranh luận đầu tiên trong Lí thuyết quan hệ quốc tế giữa chủ nghĩa lí tưởng và chủ nghĩa hiện thực xoay quanh câu hỏi bản chất con người và thế giới họ đang tồn tại trong đó như thế nào.
Các nhà lí tưởng mường tượng một mẫu người mang tính hợp tác, từ đó xây dựng nên một trật tự thế giới hòa bình, nơi các quốc gia có thể sống chung hòa bình, thân thiện với nhau. Nhiệm vụ đảm bảo trật tự chung sẽ là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thông qua những tổ chức và định chế.
Ngược lại, các nhà hiện thực lại hoài nghi khả năng hợp tác của con người và mỗi quốc gia. Họ cho rằng trong con người luôn hiệu hữu "bản tính đam mê quyền lực" và mục tiêu của các nhà nước cũng tương tự.
Lợi ích, thể diện quốc gia và việc theo đuổi quyền lực mới là động lực chính giải thích các hiện tượng cũng như lựa chọn của các nhà nước trong trật tự chính trị thế giới.
Liên hệ thực tiễn
Hiện nay các sách giáo khoa thường chia các Lí thuyết quan hệ quốc tế ra làm tám trường phái chính. Đó là:
(1) Chủ nghĩa hiện thực cổ điển
(2) Chủ nghĩa tân hiện thực
(3) Chủ nghĩa tự do
(4) Chủ nghĩa tân tự do (hay còn gọi là chủ nghĩa tự do thể chế)
(5) Chủ nghĩa kiến tạo
(6) Chủ nghĩa Marx trong quan hệ quốc tế
(7) Trường phái Anh Quốc
(8) lí thuyết phê phán (hay còn gọi là trường phái hậu hiện đại trong quan hệ quốc tế).
(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)