Lí thuyết lợi ích đo được (Cardinal Utility Theory) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết lợi ích đo được
Lí thuyết lợi ích đo được trong tiếng Anh là Cardinal Utility Theory hay Cardinal Utility Approach.
Lí thuyết lợi ích đo được là cách tiếp cận được các nhà kinh tế học tân cổ điển ủng hộ, họ tin rằng lợi ích là có thể đo lường được và người tiêu dùng có thể bày tỏ sự hài lòng của mình dựa trên các thang điểm có thể đo đếm được, chẳng hạn như 1, 2, 3,...
Nhà kinh tế học tân cổ điển đã phát triển lí thuyết tiêu dùng dựa trên giả định rằng tiện ích có thể đo lường được và có thể được thể hiện bằng số lượng. Và để làm như vậy, họ đã đưa ra một đơn vị giả định có tên là "Utils", nghĩa là đơn vị của lợi ích.
Theo thời gian, người ta nhận ra rằng việc đo lường chính xác về lợi ích là không thể, nghĩa là rất khó để đo lường cảm giác hài lòng về mặt số học. Ngoài ra, rất khó để định lượng các yếu tố gây ra sự thay đổi trong tâm trạng của người tiêu dùng, thị hiếu và sở thích của họ cũng như những điều họ thích và không thích. Do đó, lợi ích không thể đo lường được về mặt định lượng. Tuy nhiên, nó đang được sử dụng làm điểm khởi đầu trong phân tích hành vi của người tiêu dùng.
Lí thuyết tiêu dùng và lí thuyết lợi ích đo được
Lí thuyết tiêu dùng dựa trên khái niệm rằng người tiêu dùng có mục đích tối đa hóa lợi ích của họ, và do đó, tất cả các hành động và việc làm của họ đều hướng tới tối đa hóa lợi ích. Lí thuyết tiêu dùng tìm cách trả lời cho các câu hỏi sau:
- Làm thế nào để người tiêu dùng quyết định số lượng tối ưu của một mặt hàng mà họ muốn tiêu thụ?
- Làm thế nào người tiêu dùng phân bổ thu nhập khả dụng của họ giữa một số mặt hàng tiêu dùng, sao cho lợi ích được tối đa hóa?
Lí thuyết lợi ích đo được được sử dụng trong việc phân tích hành vi của người tiêu dùng phụ thuộc vào các giả định sau đây, để tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên:
- Tính hợp lí: Giả sử rằng người tiêu dùng rất lí trí, và họ thỏa mãn mong muốn của họ theo thứ tự ưu tiên. Điều này có nghĩa là họ sẽ mua những hàng hóa đầu tiên mang lại lợi ích cao nhất và sau đó đến mặt hàng thứ hai, thứ ba,...
- Nguồn lực hữu hạn (Tiền): Người tiêu dùng giới hạn tiền của mình để đổ vào hàng hóa và dịch vụ, do đó, điều này khiến người tiêu dùng sẽ chọn mua những hàng hóa thiết yếu trước tiên.
- Tối đa hóa sự hài lòng: Mọi người tiêu dùng đều nhắm đến việc tối đa hóa sự hài lòng của mình cho số tiền mà họ chi cho hàng hóa và dịch vụ.
- Lợi ích có thể đo lường được bằng số lượng: Giả sử rằng, lợi ích có thể đo lường được, và lợi ích có được từ một đơn vị hàng hóa bằng với số tiền mà người tiêu dùng sẵn sàng trả cho nó, nghĩa là 1 Util = 1 đơn vị tiền.
- Lợi ích cận biên giảm dần: Điều này có nghĩa là, với mức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, lợi ích có được từ mỗi đơn vị kế tiếp sẽ giảm dần. Qui luật này đúng với lí thuyết về hành vi của người tiêu dùng.
- Lợi ích cận biên của tiền là không đổi: Giả sử rằng lợi ích cận biên của tiền vẫn không đổi bất kể mức thu nhập của người tiêu dùng.
- Lợi ích được bổ sung: Các nhà ủng hộ lí thuyết lợi ích đo được tin rằng, không chỉ lợi ích có thể đo lường được mà lợi ích có được từ việc tiêu thụ các mặt hàng khác nhau cũng được thêm vào để hiện thực hóa tổng lợi ích.
Do đó, lí thuyết lợi ích đo được được sử dụng làm cơ sở để giải thích hành vi của người tiêu dùng, nơi mọi cá nhân có mục đích tối đa hóa lợi ích hoặc sự hài lòng của họ đối với số tiền mà họ chi cho việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.
(Theo Businessjargons)