Công cụ trực tiếp (Direct Tool) của chính sách tiền tệ thực hiện như thế nào?
Mục Lục
Công cụ trực tiếp (Direct Tool)
Công cụ trực tiếp trong tiếng Anh gọi là Direct Tool.
Công cụ trực tiếp là công cụ tác động trực tiếp vào khối lượng tiền trong lưu thông (hoặc các mức lãi suất).
Hình thức thực hiện
Loại công cụ này được Ngân hàng trung ương sử dụng dưới các hình thức: qui định hạn mức tín dụng, khống chế trực tiếp lãi suất tiền gửi - lãi suất tiền vay, khống chế thực trực tỉ giá mua bán ngoại tệ của các ngân hàng. Công cụ trực tiếp được áp dụng phổ biến ở các nước trong thời kì hoạt động tài chính được điều tiết chặt chẽ là hạn mức tín dụng.
Hạn mức tín dụng là mức dự nợ tối đa mà ngân hàng trung ương buộc các tổ chức tín dụng phải tôn trọng khi cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Mức dư nợ được qui định cho từng ngân hàng căn cứ vào đặc điểm kinh doanh của từng ngân hàng (cơ cấu khách hàng, mức rủi ro), định hướng cơ cấu kinh tế tổng thế, nhu cầu tài trợ các đối tượng chính sách và nó phải nằm trong giới hạn của tổng dư nợ tín dụng dự tính của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
Công cụ này thường được sử dụng trong trường hợp lạm phát cao nhằm khống chế trực tiếp và ngay lập tức lượng tín dụng cung ứng.
Trong trường hợp khi các công cụ gián tiếp không phát huy hiệu quả do thị trường tiền tệ chưa phát triển, hoặc do mức cầu tiền tệ không nhạy cảm với sự biến động lãi suất, hay ngân hàng trung ương không có khả năng khống chế và kiểm soát được sự biến động của lượng vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, thì công cụ hạn mức tín dụng là cứu cánh của ngân hàng trung ương trong việc điều tiết lượng tiền cung ứng.
Tuy nhiên hiệu quả điều tiết của công cụ này không cao bởi nó thiếu linh hoạt và đôi khi đi ngược lại với chiều hướng biển động của thị trường tín dụng do đó đấy lãi suất lên cao hoặc làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thương mại.
Trong điều kiện chưa áp dụng được các công cụ gián tiếp, ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu sử dụng hạn mức tín dụng như công cụ của chính sách tiền tệ từ tháng 6/1994. Đối tượng áp án đầu là 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, chiếm đến 90% tổng dư nợ cho vay của cả hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bước đầu hạn mức này đã khống chế được mức tăng dư nợ ngắn hạn là 24% so 1993. Tuy nhiên đến 1995, hạn chế của công cụ này thể hiện rõ nét khi mức tăng dư nợ tín dụng thực tế vượt hạn mức tín dụng cho phép tới 1,66 lần, năm 1960 vượt tới 2 lần. Sang đến năm 1997 và 1998 tình hình lại biến chuyện ngược lại, hạn mức tín dụng thừa ra so với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Công cụ hạn mức tín dụng trở nên không có hiệu quả, một phần vì bản thân công cụ này đã mang tính chất hành chính và thiếu linh hoạt, những hạn chế chủ yếu của nó là xuất phát từ sự thiếu căn cứ trong xác định hạn mức tín dụng và sự lỏng lẻo của các chế tài trong việc quản lí hạn mức này.
Bên cạnh hạn mức tín dụng, Ngân hàng Trung ương có thể điều tiết trực tiếp các mục tiêu trung gian thông qua việc ấn định lãi suất hoặc tỉ giá
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)