Lí thuyết dân số học lạc quan (Optimistic) là gì? Mối liên hệ với tăng trưởng kinh tế
Mục Lục
Lí thuyết dân số học lạc quan
Lí thuyết dân số học lạc quan trong tiếng Anh được gọi là Optimistic hay Anti-Malthusian.
Lí thuyết dân số học lạc quan là một trong ba luận điểm về mối liên hệ dân số và tăng trưởng kinh tế.
Vào đầu những năm 1980, hàng loạt nghiên cứu thực chứng đã chỉ ra những lập luận không thuyết phục của lí thuyết dân số học "bi quan", trong đó quan trọng nhất là lí thuyết này không tính đến tầm quan trọng của công nghệ và mức tích tụ nhân lực trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Các nghiên cứu này – thuộc nhóm lí thuyết dân số học "lạc quan" – cho rằng tăng dân số có thể tạo ra một nguồn lực kinh tế quan trọng.
Họ lập luận rằng dân số tăng lên cũng có thể làm tăng mức tích tụ nhân lực và quốc gia có dân số lớn có thể tận dụng tính qui mô để hấp thụ các tri thức, công nghệ cần thiết cho tăng trưởng.
Nghiên cứu của Simon (1981) [theo trích dẫn của Bloom và cộng sự, 2003] chỉ ra rằng tăng dân số nhanh có thể có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế vì dân số tăng có thể tạo sức ép phải cải tiến công nghệ sản xuất – một nhân tố quan trọng của tăng trưởng dài hạn.
Một ví dụ khác là "Cách mạng xanh" từ những năm 1950 đã làm tăng sản lượng nông nghiệp thế giới lên gần bốn lần dù chỉ sử dụng thêm 1% đất đai, và nó đã giải quyết được nhu cầu cho một lượng lớn dân số.
Trong những năm gần đây, yêu cầu tìm hiểu và đánh giá cụ thể hơn mối quan hệ giữa biến động dân số với tăng trưởng kinh tế ngày càng cấp thiết hơn.
Đặc biệt với các nước đang phát triển đang trải nghiệm những biến động dân số mạnh mẽ do tác động của các chính sách dân số thì nhu cầu này lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cho đến nay, lịch sử dân số học đã trải qua ba quan điểm về mối quan hệ giữa dân số và tăng trưởng kinh tế với những lí luận và bằng chứng khác nhau:
(1) Lí thuyết dân số học "bi quan" với lập luận chủ yếu là tăng dân số tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế;
(2) Lí thuyết dân số học "lạc quan" lại cho rằng tăng dân số có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế;
(3) Lí thuyết dân số học "trung tính" cho rằng dân số tác động đến tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác.
(Tài liệu tham khảo: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)