Lãnh đạo hiệu quả (Effective leadership) và mô hình lãnh đạo hiệu quả
Mục Lục
Lãnh đạo hiệu quả
Lãnh đạo hiệu quả trong tiếng Anh là Effective leadership.
Lãnh đạo hiệu quả muốn nói đến kết quả cũng như hiệu quả của công tác lãnh đạo của một nhà lãnh đạo. Hầu hết các học giả về lãnh đạo trên thế giới đánh giá hiệu quả lãnh đạo dựa trên kết quả cũng như hiệu quả cuối cùng mà các nhà lãnh đạo đạt được trong một giai đoạn hay thời kì nhất định.
Kết quả và hiệu quả lãnh đạo là những khái niệm bao trùm, tổng quát phản ánh tổng hợp các hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp; bởi vậy, kết quả và hiệu quả của lãnh đạo được phản ánh dưới nhiều tiêu chí khác nhau.
Hiện tại, các học giả về lãnh đạo đã đưa ra một số mô hình về lãnh đạo hiệu quả để xác định kết quả và hiệu quả của công tác lãnh đạo. Mỗi mô hình lãnh đạo hiệu quả khác nhau có một cách tiếp cận khác nhau.
Tuy vậy, tất cả các mô hình đều có chung một điểm là kết quả và hiệu quả cuối cùng của lãnh đạo đều được phản ánh qua cùng một nhóm các tiêu chí.
Các mô hình lãnh đạo hiệu quả đang thịnh hành trên thế giới
Mô hình lãnh đạo hiệu quả theo hai nhóm nhân tố Hành vi - Công việc
Mô hình lãnh đạo hiệu quả theo hai nhóm nhân tố hành vi - công việc là mô hình tổng quát nhất trong tất cả các mô hình lãnh đạo hiệu quả.
Mô hình lãnh đạo hiệu quả theo hai nhóm nhân tố Hành vi - Công việc. (Nguồn: Bennis, Harvard Business Review on Leadership, Harvard Business School Press, 1998)
Ở đây, tác giả Bennis đã nhóm tất cả các nhân tố lại thành hai nhóm chủ đạo, đó là các nhân tố thuộc về hành vi con người (bahavior-based) và các nhân tố thuộc về công việc (task-based).
Các nhân tố thuộc về hành vi con người là tất cả các nhân tố thuộc về hành vi, ứng xử, văn hóa, cảm xúc. Nhóm nhân tố thứ hai (nhóm nhân tố thuộc về công việc) bao gồm tổ chức công việc, lập kế hoạch, xây dựng định mức lao động, phân công công việc, giám sát đánh giá và điều chỉnh (nếu cần).
Hành vi con người là một nhân tố vô cùng quan trọng mà bất cứ một nhà lãnh đạo nào cũng phải quan tâm đúng mức. Trong mọi thời đại, trong mọi lĩnh vực, con người luôn luôn là nhân tố quyết định mọi thành công của tổ chức, vì vậy, vai trò và tầm quan trọng của con người phải luôn luôn được nhận thức đầy đủ và luôn luôn được đề cao.
Lãnh đạo định hướng hành vi, định hướng con người giúp tạo dựng và củng cố các mối quan hệ, tăng cường gắn kết tập thể và tính hợp tác trong công việc của cấp dưới, nâng cao niềm tin và sự hài lòng.
Khác với định hướng hành vi, định hướng công việc thường không tính đến yếu tố con người khi thực thi một công việc nào đó. Các nhà lãnh đạo theo khuynh hướng định hướng công việc thường thể hiện mối quan hệ giữa người và công việc thông qua các phương trình toán học.
Các học giả theo trường phái định hướng công việc thường nhấn mạnh vào các yếu tố như phân chia công việc, định mức lao động, khoán công việc, giao việc, lập kế hoạch, kiểm tra, đánh giá và thù lao lao động trên cơ sở kết quả cuối cùng.
Mô hình lãnh đạo hiệu quả theo quá trình
Tiếp cận theo quá trình để giải quyết một vấn đề nào đó được coi là một cách tiếp cận có tính logic theo chiều thuận.
Tiếp cận theo quá trình được bắt đầu bằng đầu vào, tiếp theo bằng "hộp đen" và kết thúc bằng đầu ra.
Mô hình lãnh đạo hiệu quả theo quá trình (Nguồn: Essentials of Contemporary Management, Mc Graw Hill, 2004)
Đầu vào: Đây chính là tất cả các nhân tố tạo nên nền tảng ban đầu để cho người lãnh đạo thực thi công tác lãnh đạo của mình.
"Hộp đen": Hộp đen là một thuật ngữ ám chỉ những công việc thuộc khâu giữa và chúng ta không biết những gì có trong đó cũng như không biết cơ chế tương tác qua lại giữa chúng. Tuy nhiên ở đây thuật ngữ hộp đen đã được đặt trong "...", điều đó có nghĩa là chúng ta biết rõ những gì nằm trong "hộp đen" và cơ chế tương tác qua lại giữa chúng.
Những yếu tố thuộc về "hộp đen" về thực chất chính là hành động của nhà lãnh đạo, đây chính là tương tác qua lại giữa lãnh đạo với cấp dưới.
Đầu ra: chính là các kết quả thu được của quá trình lãnh đạo. Một tiêu chí bao trùm và vô cùng quan trọng phản ánh chất lượng của công tác lãnh đạo là mức độ thỏa mãn khách hàng, mà đặc biệt là khách hàng bên trong (cấp dưới của lãnh đạo).
Mức độ thỏa mãn khách hàng bên trong (cấp dưới) là một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh sự thỏa mãn trên các giác độ cụ thể như tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội, cũng như các khoản vay hay các hình thức đãi ngộ khác.
Mô hình lãnh đạo hiệu quả tiếp cận theo bộ phận cấu thành
Lãnh đạo hiệu quả, tiếp cận theo bộ phận cấu thành về thực chất là tiếp cận theo cấu thành năng lực của lãnh đạo. Năng lực của một nhà lãnh đạo được cấu thành bởi các năng lực cụ thể như:
(1) Tầm nhìn chiến lược,
(2) Khả năng động viên, khuyến khích,
(3) Khả năng gây ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh,
(4) Khả năng phân quyền ủy quyền,
(5) Khả năng ra quyết định,
(6) Khả năng hiểu mình, hiểu người
(7) Khả năng giao tiếp.
(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)