L/C điều khoản đỏ (Red Clause L/C) là gì?
Mục Lục
L/C điều khoản đỏ (Red Clause L/C)
L/C điều khoản đỏ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Red Clause L/C.
L/C điều khoản đỏ là L/C mà Ngân hàng Phát hành cho phép Ngân hàng Thông báo ứng trước cho người thụ hưởng để mua hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa theo L/C đã mở.
Điều cần hiểu là tiền ứng trước được lấy từ tài khoản của người mở, nghĩa là tín dụng thương mại, mà không phải là tín dụng của Ngân hàng Thông báo hay Ngân hàng Phát hành. Ngân hàng Thông báo chỉ thực hiện các thủ tục theo điều khoản của L/C mà không cam kết hoặc chịu trách nhiệm về số tiền đó.
Việc ứng tiền được Ngân hàng Phát hành ủy quyền cho Ngân hàng Thông báo thực hiện. Sau đó, Ngân hàng Phát hành sẽ trích tài khoản của người mở để chuyển cho Ngân hàng Thông báo.
Gọi là L/C điều khoản đỏ vì trước đây được in mực đỏ để tăng sự chú ý. Từ "Red Clause" ngày nay được dùng bởi nhiều thuật ngữ khác nhau như: "Advance Clause" (Điều khoản ứng trước), hoặc "Special Clause" (Điều khoản đặc biệt). Theo đó, người mở L/C cam kết tài trợ cho nhà xuất khẩu ngay khi L/C được mở. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Nội dung của L/C điều khoản đỏ
Với "Điều khoản đỏ", Ngân hàng Phát hành cam kết ứng một số tiền nhất định của L/C khi nhận được các chứng từ, thông thường là:
- Hối phiếu của số tiền ứng trước;
- Hóa đơn;
- Giấy nhận nợ hoặc cam kết giao hàng.
Rất nhiều trường hợp người mở chỉ ứng trước tiền cho người hưởng dưới sự bảo lãnh của ngân hàng người hưởng (Advance Guarantee). Như vậy, người hưởng sẽ thương lượng với ngân hàng mình để phát hành bảo lãnh trước khi nhận được tiền theo điều khoản đỏ.
Về phía bên bán
Với Red Clause, bên bán nhận được một số tiền trước khi giao hàng (có thể bằng 10%, 20%, 25%...) tùy hai bên thỏa thuận để sử dụng vào việc chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu, giảm được khó khăn về tài chính và có thị trường xuất khẩu ổn định. Đó là ưu điểm của Red Clause với bên bán.
Về phía bên mua
Theo Red Clause, họ phải mở L/C tương đối sớm trước khi giao hàng, phải chịu chi phí và rủi ro về việc ứng trước, nhưng đáp lại họ được bù đắp bằng giá hàng thấp hơn và ổn định được nguồn hàng nhập khẩu ngay cả khi giá cả quốc tế đột biến.
Về phía ngân hàng
Khi mở Red Clause L/C, các ngân hàng thường áp dụng số tiền ứng trước bằng một trong hai cách sau đây:
a) Ngân hàng mở Red Clause L/C tự mình cấp tiền ứng trước khi nhận được lệnh đòi tiền ứng trước từ người bán, trong đó ngân hàng bên bán xác nhận rằng hối phiếu đòi tiền ứng trước và các điều kiện liên quan của L/C đã phù hợp. "Upon receip of the Red Clause L/C, beneficiary may draw draft on us (issuing bank) payable at sight for ...% of L/C value being advance payment to be paid to the beneficiary before shipment. Such draft amount is only paid by us against beneficiary's letter of guarantee of undertaking that shipment is to be effected as specified in the L/C and is to be recovered by deducting from the seller's invoice accompanied by all the shipping documents presented for negotiation".
b) Ngân hàng phát hành ủy quyền ngân hàng bên bán cấp tiền ứng trước theo điều khoản đỏ đã qui định. Sau đó số tiền ứng trước và tiền lãi suất sẽ được hoàn trả bởi Ngân hàng Phát hành hoặc được khấu trừ vào hóa đơn tiền hàng của bên bán. "Upon receip of the Red Clause L/C, beneficiary may draw draft on advising/negotiating Bank who are duly authorized by us to be done so payable at sight for ...% of L/C..."
Việc Ngân hàng Thông báo ứng tiền theo L/C điều khoản đỏ, thì đây chính là khoản cho vay ứng trước tiền hàng xuất khẩu mà các Ngân hàng thương mại vẫn làm, tuy nhiên, ứng trước theo L/C điều khoản đỏ có thêm sự đảm bảo hoàn trả từ Ngân hàng Phát hành nếu người bán vi phạm hợp đồng. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)