Kiểm tra tín dụng (Credit Checking) là gì? Những nguyên lí kiểm tra tín dụng
Mục Lục
Kiểm tra tín dụng (Credit Checking)
Kiểm tra tín dụng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Credit Checking.
Hợp đồng tín dụng sau khi đã được kí kết giữa người vay và ngân hàng, ngân hàng phải thực hiện công việc kiểm tra tín dụng. Đây là công việc nắm bắt sự thay đổi các điều kiện cấp tín dụng theo thời gian ảnh, những biến động trong nền kinh tế và bất kì điều gì có thể ảnh hưởng đến điều kiện tài chính của người vay, khiến khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng trở nên khó khăn.
Những biến động trong nền kinh tế làm suy yếu một số công ty và làm tăng nhu cầu tín dụng đối với các công ty khác, trong khi đó, từng cá nhân thì có thể bị mất việc làm, nhiễm bệnh hiểm nghèo làm cho người vay không còn khả năng trả nợ.
Cán bộ tín dụng phải nhạy cảm với những diễn biến như vậy và định kì phải kiểm tra tất cả các khoản tín dụng cho đến khi chúng đến hạn. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Những nguyên lí kiểm tra tín dụng
Ngày nay các ngân hàng sử dụng rất nhiều các qui trình khác nhau để kiểm tra tín dụng, tuy nhiên, những nguyên lí chung đang được áp dụng tại hầu hết các ngân hàng bao gồm:
Nguyên lí 1
Tiến hành kiểm tra tất cả các loại tín dụng theo định kì nhất định, ví dụ, đối với khoản tín dụng nhỏ và vừa thì định kì kiểm tra có thể là 30, 60, 90 ngày; đối với những khoản tín dụng lớn thì phải kiểm tra thường xuyên hơn.
Nguyên lí 2
Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung quá trình kiểm tra một cách thận trọng và chi tiết, bảo đảm rằng những khía cạnh quan trọng nhất của mỗi khoản tín dụng phải được kiểm tra, bao gồm:
- Kế hoạch trả nợ của khách hàng, nhằm bảo đảm rằng khách hàng không chậm trễ trong việc thanh toán nợ theo kế hoạch.
- Chất lượng và điều kiện của tài sản bảo đảm tín dụng.
- Tính đầy đủ và hợp lệ của hợp đồng tín dụng, bảo đảm rằng ngân hàng có đầy đủ thẩm quyền hợp pháp để sở hữu các tài sản bảo đảm tín dụng đối với người vay trước tòa án nếu cần thiết.
- Đánh giá điều kiện tài chính và những dự báo về người vay xem đã thay đổi, trên cơ sở đó xem xét lại nhu cầu tín dụng của người vay thay đổi như thế nào.
- Đánh giá xem khoản tín dụng có còn tuân thủ chính sách cho vay của ngân hàng và các tiêu chuẩn do cơ quan quản lí đặt ra.
Nguyên lí 3
Kiểm tra thường xuyên các khoản tín dụng lớn, bởi vì nếu các "đại gia" bị vỡ nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện tài chính của ngân hàng.
Nguyên lí 4
Quản lí chặt chẽ và thường xuyên các khoản tín dụng có vấn đề, tăng cường kiểm tra giám sát khi phát hiện những dấu hiệu không lành mạnh liên quan đến khoản tín dụng của ngân hàng.
Nguyên lí 5
Tăng cường kiểm tra tín dụng khi nền kinh tế có những biểu hiện đi xuống, hoặc những ngành nghề sử dụng nhiều tín dụng của ngân hàng có biểu hiện những vấn đề nghiêm trọng trong phát triển (ví dụ như xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới, hay có sự áp dụng công nghệ mới đòi hỏi phải có sản phẩm mới và các phương pháp phân phối mới).
Ý nghĩa của việc kiểm tra tín dụng
Kiểm tra tín dụng không phải là công việc thừa, lãng phí, mà rất cần thiết để hình thành chính sách cho vay của ngân hàng một cách lành mạnh. Nó không những giúp cho nhà quản lí nhận ra vấn đề một cách nhanh chóng, mà còn có tác dụng kiểm tra thường xuyên xem cán bộ tín dụng có chấp hành đúng chính sách cho vay của ngân hàng.
Với lí do này, đồng thời tăng cường tính khách quan của công tác kiểm tra tín dụng, hầu hết các ngân hàng lớn đều thành lập phòng "kiểm tra tín dụng" độc lập với "phòng tín dụng".
Kiểm tra tín dụng giúp cho Hội đồng quản trị và Ban giám đốc điều hành trong việc đánh giá toàn bộ tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng, từ đó đề ra các biện pháp phòng chống cũng như định hướng chính sách "quĩ dự phòng bù đắp rủi ro" và chiến lược tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng trong tương lai. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)