Kĩ năng quản trị (Administrative Skills) là gì? Các kĩ năng quản trị
Mục Lục
Kĩ năng quản trị (Administrative Skills)
Kĩ năng quản trị trong tiếng Anh gọi là Administrative Skills.
Kĩ năng quản trị là những khả năng ứng dụng từ lí thuyết sang thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu đặt ra. Kĩ năng có thể giúp cho người lao động làm việc có hiệu quả hơn.
Tùy các cấp quản trị thì yêu cầu, đòi hỏi và mức độ ưu tiên với các kĩ năng quản trị là khác nhau.
Các kĩ năng quản trị
Kĩ năng kĩ thuật
Kĩ năng kĩ thuật là những hiểu biết về thực hành theo qui trình ở một lĩnh vực chuyên môn cụ thể nào đó. Chẳng hạn, đó là kĩ năng hoạch định chiến lược/kế hoạch kinh doanh, kĩ năng tổ chức hoạt động marketing, kĩ năng tổ chức lao động khoa học,...
Kĩ năng kĩ thuật chỉ có thể và phải được hình thành thông qua học tập tại các trường quản trị kinh doanh và sẽ được phát triển trong quá trình thực hành nhiệm vụ quản trị cụ thể.
Kĩ năng quan hệ với con người
Kĩ năng quan hệ với con người chính là khả năng làm việc cùng, hiểu và khuyến khích người khác trong quá trình hoạt động, xây dựng các mối quan hệ tốt giữa người với người trong quá trình thực hiện công việc. Càng ngày, kĩ năng này càng được coi là đóng vai trò rất quan trọng đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Kĩ năng quan hệ với con người chứa đựng yếu tố bẩm sinh, chịu ảnh hưởng nhiều bởi nghệ thuật giao tiếp, ứng xử của nhà quản trị.
Kĩ năng nhận thức chiến lược
Kĩ năng nhận thức chiến lược là kĩ năng phân tích, nhạy cảm trong dự báo về cơ hội và đe dọa của môi trường kinh doanh để xây dựng chiến lược kinh doanh sát với thực tiễn sẽ xảy ra với sự tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế đến mức tối thiểu các đe dọa.
Kĩ năng nhận thức chiến lược không phải là kĩ thuật hoạch định chiến lược mà là tầm nhìn, tính nhạy cảm và bản lĩnh chiến lược cao của nhà quản trị. Một nhà quản trị có kĩ năng kĩ thuật dự báo tốt biết sử dụng các kiến thức dự báo khoa học để hoàn thành nhiệm vụ dự báo của mình.
Một nhà quản trị có kĩ năng nhận thức chiến lược dự báo là người vượt qua các kiến thức đó và "cảm nhận" kết quả dự báo có thể khác với kết quả thu được từ việc áp dụng kĩ thuật dự báo đơn thuần.
Vì vậy, kĩ năng nhận thức chiến lược chỉ có thể được hình thành từ tri thức, nghệ thuật và bản lĩnh kinh doanh được nhà quản trị hun đúc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản trị của mình. Môi trường kinh doanh càng mở rộng và biến động bao nhiêu, càng cần các nhà quản trị có kĩ năng nhận thức chiến lược cao bấy nhiêu.
Quan hệ giữa các kĩ năng với các cấp quản trị
Trước hết cần khẳng định mỗi nhà quản trị đều cần thiết phải có đủ các kĩ năng cơ bản: kĩ năng kĩ thuật, kĩ năng quan hệ với con người, kĩ năng nhận thức chiến lược.
Việc đòi hỏi cụ thể đối với mỗi nhà quản trị về các kĩ năng trên lại phụ thuộc vào vị trí hoạt động của họ: nhà quản trị đang hoạt động ở cấp nào trong hệ thống bộ máy quản trị doanh nghiệp.
- Nhà quản trị cấp cao (lãnh đạo) cần được ưu tiên kĩ năng nhận thức chiến lược, sau đó là kĩ năng quan hệ con người và cuối cùng là kĩ năng kĩ thuật.
- Nhà quản trị cấp trung gian cần được ưu tiên kĩ năng quan hệ với con người.
- Nhà quản trị cấp thừa hành cần ưu tiên nhất kĩ năng kĩ thuật, tiếp đến là kĩ năng quan hệ với con người và cuối cùng là kĩ năng nhận thức chiến lược.
(Theo Giáo trình Quản trị Kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)