Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Patent Cooperation Treaty - PCT) là gì?
Mục Lục
Hiệp ước hợp tác về sáng chế
Hiệp ước hợp tác về sáng chế trong tiếng Anh là Patent Cooperation Treaty, viết tắt là PCT.
Hiệp ước hợp tác về sáng chế được kí kết ngày 19/6/1970 tại Washington, PCT bắt đầu có hiệu lực từ 01/6/1978, Việt Nam tham gia PCT từ ngày 10/3/1993.
PCT là một điều ước quốc tế với hơn 150 quốc gia kí kết, cho phép tìm kiếm sự bảo hộ bằng sáng chế cho một phát minh đồng thời ở một số lượng lớn các quốc gia bằng cách nộp đơn đăng kí bằng sáng chế quốc tế duy nhất thay vì nộp một số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc gia hoặc khu vực riêng biệt. Việc cấp bằng sáng chế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực.
PCT không qui định về việc cấp "bằng độc quyền sáng chế quốc tế", nhiệm vụ và trách nhiệm cấp bằng độc quyền sáng chế vẫn thuộc thẩm quyền của các cơ quan sáng chế của/hoặc thay mặt cho những nước nơi có yêu cầu bảo hộ (các cơ quan chỉ định).
Trên thực tế, PCT là một thỏa thuận đặc biệt theo Công ước Paris chỉ cho phép các quốc gia thành viên của Công ước Paris tham gia.
Mục đích của Hiệp ước hợp tác về sáng chế
Mục đích chính của Hiệp ước hợp tác về sáng chế là đơn giản hóa thủ tục bảo hộ sáng chế và thực hiện việc bảo hộ một cách kinh tế hơn. Đối với người nộp đơn, khi muốn được bảo hộ một sáng chế đồng thời ở một số nước thì chỉ cần nộp một đơn quốc tế duy nhất có cùng một hiệu quả như nộp các đơn riêng biệt vào cơ quan sáng chế của từng nước thành viên Hiệp ước hợp tác về sáng chế đã được chỉ định trong đơn này, vì vậy việc đó giảm nhẹ đáng kể khối lượng côn việc trong thủ tục nộp đơn và tiết kiệm chi phí cho thủ tục nộp đơn.
Mặt khác, đối với cơ quan sáng chế quốc gia, trong khi các thành tựu kĩ thuật trên thế giới ngày càng gia tăng nên lượng đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế tăng không ngừng thì theo PCT các công việc nhận đơn, xem xét hồ sơ đơn, tra cứu tên quốc tế và thẩm định bản chất của đơn để cấp bằng độc quyền sáng chế sẽ giảm nhẹ bằng cách tất cả các đơn nộp vào các nước đều có một báo cáo tra cứu do một cơ quan tra cứu quốc tế có đầy đủ các phương tiện thông tin và đội ngũ những người tra cứu có trình độ tiến hành.
Kết quả tra cứu được công bố cùng với đơn trong "Báo cáo tra cứu quốc tế" mà cả người nộp đơn lẫn các cơ quan được chỉ định đều nhận được.
(Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)