Khấu hao tài sản cố định (Depreciation of Fixed Assets) là gì?
Mục Lục
Khấu hao tài sản cố định (Depreciation of Fixed Assets)
Khấu hao tài sản cố định trong tiếng Anh là Depreciation of Fixed Assets. Khấu hao tài sản cố định là việc phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải thu hồi của tài sản cố định (TSCĐ) vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ.
Các thuật ngữ liên quan
Giá trị phải khấu hao (giá trị phải thu hồi): Là nguyên giá của TSCĐ hữu hình ghi trên báo cáo tài chính, trừ đi giá trị thanh lí ước tính của tài sản đó.
Giá trị thanh lí: Là giá trị ước tính thu được khi hết thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, sau khi trừ đi chi phí thanh lí ước tính.
Thời gian sử dụng hữu ích: Là thời gian mà TSCĐ hữu hình phát huy được tác dụng cho sản xuất, kinh doanh, được tính bằng:
- Thời gian mà doanh nghiệp dự tính sử dụng TSCĐ hữu hình, hoặc:
- Số lượng sản phẩm, hoặc các đơn vị tính tương tự mà doanh nghiệp dự tính thu được từ việc sử dụng tài sản.
Mục đích
Mục đích của khấu hao tài sản cố định là nhằm bù đắp các hao mòn TSCĐ và thu hồi số vốn cố định đã đầu tư ban đầu để tái sản xuất giản đơn hoặc mở rộng TSCĐ.
Ý nghĩa
- Về kinh tế, khấu hao tài sản cố định được coi là một khoản chi phí sản xuất kinh doanh và được tính vào giá thành sản phẩm trong kì.
Tuy nhiên, khác với các loại chi phí khác, khấu hao là khoản chi phí được phân bổ nhằm thu hồi vốn đầu tư ứng trước để hình thành TSCĐ, vì thế không tạo nên dòng tiền mặt chi ra trong kì.
Số tiền khấu hao thu hồi được tích lũy lại hình thành nên quĩ khấu hao TSCĐ của doanh nghiệp. Quĩ khấu hao này dùng để tái sản xuất giản đơn hoặc mở rộng các TSCĐ của doanh nghiệp khi hết thời hạn sử dụng.
Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có quyền chủ động sử dụng số tiền khấu hao một cách linh hoạt, hiệu quả nhưng phải đảm bảo hoàn trả đúng hạn.
Số tiền khấu hao này khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư để tái sản xuất giản đơn hoặc mở rộng TSCĐ của doanh nghiệp.
- Về nguyên tắc, việc khấu hao tài sản cố định phải đảm bảo phù hợp với mức độ hao mòn của TSCĐ và thu hồi đầy đủ số vốn cố định đầu tư ban đầu vào TSCĐ.
Điều này không chỉ đảm bảo tính chính xác của chi phí khấu hao trong giá thành sản phẩm, đánh giá đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo toàn được vốn cố định, đáp ứng yêu cầu thay thế, đổi mới hoặc nâng cấp TSCĐ của doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)